Thông tư hướng dẫn xử lý trường hợp xâm phạm bản quyền tên doanh nghiệp
Ngày 20/04/2016
Buộc thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp hoặc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp... là những biện pháp chế tài đối với các doanh nghiệp bị xác định vi phạm bản quyền sở hữu công nghiệp về tên doanh nghiệp.
Hành vi xâm phạm quyền sở hữu doanh nghiệp là việc sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đó.
Thông tư liên tịch 05/2016/TTLT-BKHCN-BKHĐT đã quy định các biện pháp để xử lý trường hợp này là:
Biện pháp buộc thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp: được áp dụng khi doanh nghiệp vi phạm không chấm dứt hành vi sử dụng tên doanh nghiệp xâm phạm trên hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, biển hiệu, giấy tờ giao dịch hoặc không tiến hành thủ tục đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp xâm phạm theo thông báo của Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc theo thỏa thuận của các bên. Doanh nghiệp thực hiện một hoặc các biện pháp sau đây:
a) Đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp;
b) Thông báo bằng văn bản về việc thay đổi ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp gửi Phòng Đăng ký kinh doanh;
c) Các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.
Biện pháp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: được áp dụng đối với doanh nghiệp vi phạm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thay đổi tên doanh nghiệp hoặc buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính và không gửi báo cáo giải trình theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 209 Luật Doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản.
Thông tư 05/2016/TTLT-BKHCN-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 20/05/2016.
Nguồn: Thư viện pháp luật