Tiếp tục điều chỉnh danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Ngày 8/11/2016
Trong tuần này, dự thảo sửa đổi, bổ sung các ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư sẽ được trình lên Quốc Hội để biểu quyết thông qua. Theo đó thì số ngành nghề có điều kiện sẽ giảm xuống 41 ngành so với hiện tại.
Hôm nay 7/11, Quốc hội bắt đầu tuần làm việc thứ tư của kỳ họp với nội dung thảo luận ở hội trường về dự án Luật quản lý ngoại thương và dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Cuối phiên làm việc, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.
Nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 sẽ được Quốc hội xem xét thông qua trong ngày 8/11.
Ngày 9/11, Quốc hội nghe tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư. Dự luật này trên thực tế từng là một phần của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 12 đạo luật liên quan tới đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, khi Chính phủ trình ra phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/10, dự án Luật này được rút gọn lại còn sửa 3 Luật là Đầu tư, Doanh nghiệp và Xây dựng. Sau phiên họp thẩm tra của cơ quan thường trực Quốc hội ngày 29/10, dự luật trên được đổi tên thành Luật sửa đổi, bổ sung danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư.
Theo bản dự thảo trình tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế ngày 29/10, Chính phủ đề xuất bãi bỏ 27 ngành nghề; bổ sung 15 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Nếu phương án này được thông qua, tổng số ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư chỉ còn 226, giảm 41 so với hiện hành.
Trong hai ngày 10 và 11/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua: Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2017; nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị quyết số 55 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Các dự án luật: Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi); đường sắt (sửa đổi); chuyển giao công nghệ (sửa đổi) cũng sẽ được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội trong hai ngày làm việc nêu trên.
Nguồn: Vnexpress