Dự thảo tăng lương tối thiểu 7,3% gây lo lắng cho nhiều doanh nghiệp
Ngày 25/08/2016
Trước tình hình thị trường khó khăn như hiện nay, khi đơn hàng vẫn tiếp tục giảm, giá thành lại tăng cao, các Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động đang tỏ ra quan ngại với dự thảo Nghị định tăng lương tối thiểu vùng lên 7,3% được dự kiến trình Chính Phủ vào tháng 9/2016 này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Minh Huân, thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐTB&XH), cho biết cơ quan này đã hoàn thiện dự thảo nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, trang trại.
Dự thảo sẽ tiếp tục được lấy ý kiến các bộ, ngành.
“Nếu không có gì thay đổi, trong tháng 9-2016 sẽ chính thức trình Chính phủ dự thảo nghị định này. Đến thời điểm này, sau hai phiên họp hội đồng tiền lương quốc gia thì đã chốt được mức tăng lương tối thiểu vùng tăng từ 180.000 - 250.000 đồng so với hiện hành (bình quân tăng 7,3%).
Với mức tăng này, sẽ đáp ứng được khoảng từ 94% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ tùy theo từng vùng...” - ông Huân cho biết.
Dự thảo của Bộ LĐ-TB&XH đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng từ 1-1-2017 là: 3,75 triệu đồng/tháng thay vì mức 3,5 triệu đồng/tháng như hiện nay với vùng 1; 3,32 triệu đồng/tháng (vùng 2, hiện là 3,1 triệu đồng); 2,9 triệu đồng/tháng (vùng 3, hiện là 2,7 triệu đồng) và mức 2,58 triệu đồng/tháng (vùng 4, hiện là 2,4 triệu đồng).
Theo tờ trình của Bộ LĐ-TB&XH, mức tăng này đã được tính toán dựa trên cơ sở bù đủ trượt giá sinh hoạt năm 2016 dự kiến khoảng 4,5% - 5% để bảo đảm tiền lương thực tế cho người lao động.
Việc tăng lương (với mức tăng bình quân 7,3%) cũng đã tính đến các tác động về việc làm, thất nghiệp, điều kiện sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn.
Các doanh nghiệp và cơ quan liên quan nói gì về mức tăng lương dự kiến này?
* Ông Hoàng Quang Phòng - phó chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam
Tăng lương: doanh nghiệp sẽ gặp khó
Việc tăng lương sẽ gây khó khăn, cực kỳ căng thẳng cho DN. Tuy nhiên hội đồng tiền lương quốc gia đã quyết rồi thì VCCI, các DN sẽ phải cố gắng thực hiện.
Năm 2016, đơn hàng của các DN vẫn giảm, giá thành thì tăng, hàng lại không bán được. Mức tăng 7,3% này vượt quá sức DN, vì trước đó tại các phiên họp của hội đồng tiền lương quốc gia, VCCI chỉ đề xuất tăng 4-5% và với mức 4-5% này thì nhiều DN cũng phải bù rồi.
DNdệt may, da giày, thủy sản, điện tử sẽ bị tổn thương nhiều. Chính các hiệp hội này đề xuất không tăng lương, nhưng hội đồng tiền lương của VCCI có đến trên 20 nguyên đơn nên số hiệp hội này vẫn phải theo đa số.
Chúng tôi thấy rằng cần phải chia sẻ, bởi người lao động là tài sản của DN, cũng cần phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Qua việc tăng lương, với mức tăng này VCCI cũng như các DN cần phải đẩy mạnh cải cách hành chính, tiết giảm mọi cái có thể giảm, DN cần được hỗ trợ thị trường và bản thân các DN cũng cần phấn đấu hơn nữa, phải nâng cao năng lực cạnh tranh.
* TS Bùi Sỹ Lợi - phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội:
Mức tăng cơ bản hợp lý
Nếu xét về bản chất của tiền lương tối thiểu theo quy định của pháp luật thì chưa bảo đảm vì nếu năm 2017 điều chỉnh lên 7,3% so với năm 2016 thì mới đảm bảo khoảng 94% nhu cầu sống tối thiểu (theo báo cáo của Bộ Lao động - thương binh và xã hội).
Nhưng nếu xét trên bình diện chung của nền kinh tế hiện nay, tôi cho rằng mức tăng như vậy cơ bản là hợp lý, do xu hướng tăng trưởng kinh tế năm nay đang có khả năng không đạt mục tiêu theo nghị quyết của Quốc hội.
Theo báo cáo của Chính phủ sáu tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng mới đạt 5,52% so với 6,7% kế hoạch, đây là một thách thức lớn. Do đó, điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng để bảo đảm tiền lương thực tế và từng bước bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động là cần thiết.
* Ông Lương Văn Thư - chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty may Đáp Cầu (Bắc Ninh):
Sẽ cắt giảm lao động
DN xác định việc tăng lương tối thiểu sẽ tác động rất lớn đến DN. Lương tối thiểu liên tục tăng trong mấy năm gần đây, mỗi năm tăng 7-10%, trong khi năng suất lao động năm nay tăng rất thấp, chỉ 3-5%/năm thôi. Thị trường xuất khẩu thì rất khó khăn.
Những ngành sử dụng nhiều lao động như như dệt may, da giày, mỗi DN là vài ngàn người không biết sẽ xoay xở ra sao.
Mới đây, Tập đoàn Dệt may VN cũng bàn vấn đề này, giải pháp thì không có gì mới ngoài việc tiếp tục cắt giảm chi phí, đầu tư công nghệ trang thiết bị để tăng năng suất lao động,…
Tuy nhiên, DN không thể cắt giảm hơn được nữa chi phí, nếu có cắt giảm cũng không đáng bao nhiêu vì năm nào cũng cắt giảm đến mức tối đa các chi phí quản lý, hành chính rồi.
Thu nhập lương tối thiểu vùng của các nước trong khu vực là rất thấp như Lào, Campuchia, Myanmar, Indonesia, Ấn Độ… những nước cạnh tranh quyết liệt với ngành dệt may của Việt Nam thì chỉ áp dụng mức lương tối thiểu là 100 USD/tháng.
Trong khi, chúng ta đang quy định là 160 USD/tháng. Như vậy, với điều kiện cạnh tranh hội nhập như hiện nay sẽ rất khó khăn cho DN Việt Nam.
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ