Thống nhất các quy định về hải quan theo Luật Hải quan
Ngày 24/11/2017
Trung tuần tháng 11/2017, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP (Nghị định 08) quy định chi tiết thi hành Luật Hải quan, sau khi tiếp thu ý kiến từ các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp (DN); đặc biệt là sự thẩm định của Bộ Tư pháp…
Dự thảo sửa đổi Nghị định 08 có nhiều điểm mới như: Tạo thuận lợi cho DN ưu tiên về hải quan; đơn giản thủ tục xác định trị giá hải quan làm rõ khái niệm và phương thức giám sát hàng hóa trung chuyển và quá cảnh”, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan Nguyễn Nhất Kha cho biết.
Bỏ thủ tục KTSTQ với DN ưu tiên
Theo ông Kha, để tạo thêm thuận lợi, thông thoáng cho hoạt động xuất nhập khẩu so với trước đây, dự thảo đề xuất gỡ bỏ thủ tục kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) đối với DN ưu tiên về hải quan. Quy định này nhằm đảm bảo chính sách ưu đãi đối với DN ưu tiên, phù hợp với thông lệ quốc tế (hiện không có nước nào kiểm tra DN ưu tiên theo tờ khai tại trụ sở cơ quan hải quan mà họ kiểm toán định kỳ)...
Ông Kha phân tích, tại Nghị định 08 và Điều 78 Luật Hải quan quy định về 3 trường hợp KTSTQ, tuy nhiên không loại trừ DN ưu tiên. Thực tế hiện các DN bị KTSTQ tại cơ quan hải quan đối với các tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu trong thời gian 60 ngày. Chế độ ưu tiên là quản lý DN chứ không quản lý theo từng lô hàng, còn KTSTQ trong thời gian 60 ngày là quản lý theo lô hàng nhập khẩu. DN ưu tiên là các DN đã được cơ quan hải quan kiểm tra, thẩm định, ý thức tuân thủ rất tốt, có cơ chế tự kiểm soát nội bộ để duy trì việc tuân thủ pháp luật. Theo đó, nếu không quy định miễn KTSTQ tại trụ sở cơ quan hải quan thì có thể xảy ra trường hợp có DN một năm bị KTSTQ nhiều lần và liên tục.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung thêm Khoản 4 Điều 9 Nghị định 08 nội dung DN ưu tiên được miễn KTSTQ tại trụ sở cơ quan hải quan, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 78 Luật Hải quan.
“Nhân dịp này, Bộ Tài chính cũng đề xuất Chính phủ xem xét trình Quốc hội bổ sung quy định DN ưu tiên được miễn KTSTQ tại trụ sở cơ quan hải quan vào Luật Hải quan, để đảm bảo cơ sở pháp lý và sự thống nhất trong thực thi pháp luật. Chỉ KTSTQ tại trụ sở cơ quan hải quan khi DN ưu tiên có dấu hiệu vi phạm...”, ông Kha cho biết thêm.
Phân biệt trung chuyển và quá cảnh
Về điểm mới của dự thảo sửa đổi Nghị định 08, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, tại Điều 86 Luật Hải quan và Nghị định 08 chưa quy định phương pháp xác định trị giá hải quan cho trường hợp không xác định được trị giá hải quan theo hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại (bao gồm cả trường hợp chi phí liên quan đến hàng hóa xuất khẩu tính đến cửa khẩu xuất chưa thể hiện trên hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại). Do đó, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung thêm 3 phương pháp xác định trị giá hải quan hàng xuất khẩu, theo hướng: Sử dụng trị giá của hàng hóa giống hệt, tương tự trên cơ sở dữ liệu trị giá hải quan; giá bán hàng hóa giống hệt, tương tự tại thị trường Việt Nam; giá bán hàng hóa xuất khẩu do cơ quan hải quan thu thập, tổng hợp, phân loại sau khi đã quy đổi về giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất.
“Việc sửa đổi, bổ sung nêu trên nhằm đảm bảo đủ căn cứ pháp lý, tạo thuận lợi cho việc xác định trị giá hải quan hàng xuất khẩu đối với các trường hợp không xác định được trị giá theo hợp đồng mua bán hoặc hóa đơn thương mại. Việc bổ sung thêm 3 phương pháp xác định trị giá không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính...”, ông Kha nói.
Bên cạnh đó, dự thảo sửa đổi Nghị định 08 đã làm rõ khái niệm và thống nhất trong cách hiểu về hàng trung chuyển và quá cảnh, tạo sự thống nhất, thuận lợi cho cả cơ quan hải quan và DN.
Ông Kha lý giải, hiện tại Nghị định 08 chưa quy định cụ thể về thủ tục hải quan đối với việc chuyển tải, lưu kho chia tách, thay đổi phương thức vận tải, hàng hóa quá cảnh đóng chung với hàng nhập khẩu, hàng xuất khẩu; chưa phân định rõ ràng giữa hàng hóa quá cảnh và hàng trung chuyển, dẫn đến phát sinh việc các đối tượng bị điều chỉnh thực hiện không thống nhất, trong khi đây là các hoạt động đã được Luật Thương mại cho phép và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Chính vì vậy, khái niệm về hàng trung chuyển và quá cảnh được làm rõ để đảm bảo quản lý về hải quan, tăng cường hoạt động phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Thực tế thời gian qua, cơ quan hải quan đã phát hiện và xử lý hàng chục vụ lợi dụng loại hình trung chuyển và quá cảnh để buôn lậu, gây thất thu ngân sách, trong đó có nhiều mặt hàng Nhà nước cấm nhập khẩu.
Theo đó, dự thảo sửa đổi Nghị định 08 làm rõ: Hàng hóa trung chuyển là hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển từ nước ngoài vào khu vực trung chuyển tại cảng biển, sau đó được đưa ra nước ngoài từ chính khu vực trung chuyển tại cảng biển này hoặc đến khu vực trung chuyển tại cảng biển khác để đưa ra nước ngoài; hàng hóa trung chuyển vận chuyển giữa các cảng biển phải được vận chuyển bằng đường thủy nội địa, đường biển.
Đối với hàng hóa vận chuyển từ nước ngoài qua lãnh thổ Việt Nam để đến nước khác không thuộc trường hợp trung chuyển thì thực hiện thủ tục theo quy định đối với hàng quá cảnh.
Dự thảo sửa đổi Nghị định 08 cũng sửa đổi, bổ sung thống nhất trong cách hiểu cửa khẩu xuất (quy định trị giá hải quan hàng xuất khẩu là giá bán tính đến cửa khẩu xuất) căn cứ theo Điều 86 Luật Hải quan làm cơ sở để xác định trị giá hải quan hàng xuất khẩu đối với các phương thức vận tải đường biển, đường hàng không, đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa…
Nguồn: Thời báo tài chính Việt Nam