Sửa đổi bổ sung Thông tư 39/2018/TT-BTC: Thông thoáng hơn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Ngày 10/09/2019
“Tổng cục Hải quan đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 39/2018/TT-BTC theo hướng mở rộng sự thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp (DN); áp dụng cách quản lý mới phù hợp với thay đổi của xu thế thương mại quốc tế…”.
Ông Âu Anh Tuấn - quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan chia sẻ với phóng viên TBTCVN.
Tiếp nhận hồ sơ ngoài giờ hành chính
Ông Âu Anh Tuấn cho hay, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, trong tháng 9/2019, Tổng cục Hải quan đang tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến, tiếp tục hoàn thiện dự thảo thông tư (TT) sửa đổi bổ sung TT 39/2018/TT-BTC (TT 39) sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 38/2015/TT-BTC (TT 38) về thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan; thuế xuất nhập khẩu (XNK) và quản lý thuế đối với hàng hóa XNK theo hướng đảm bảo đầy đủ, bao quát hết tình huống trong thực tiễn, đúng pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho DN.
Dự thảo sửa đổi bổ sung TT 39 đề xuất quy định đối với các điểm thông quan ở biên giới đất liền thì cơ quan hải quan có trách nhiệm tiếp nhận yêu cầu đăng ký ngoài giờ làm việc, theo đề nghị của DN, khắc phục hạn chế của quy định hiện hành.
Theo quy định hiện hành, nếu người khai hải quan có nhu cầu thực hiện thủ tục hải quan ngoài giờ làm việc, ngày nghỉ, ngày lễ thì phải thông báo trước cho cơ quan hải quan và “thông báo phải được gửi đến cơ quan hải quan trong giờ làm việc theo quy định”. Ngoài ra, “đối với các cửa khẩu biên giới đất liền, việc thực hiện thủ tục hải quan vào ngày nghỉ, ngày lễ và ngoài giờ làm việc phải phù hợp với thời gian đóng, mở cửa khẩu theo quy định của pháp luật và Điều ước quốc tế giữa Việt Nam và các nước có chung đường biên giới”.
Quy định này khá bất cập, bởi trên thực tế tại chi cục hải quan cửa khẩu đường bộ, ngoài cửa khẩu còn có rất nhiều các điểm xuất hàng được thành lập theo quyết định của UBND tỉnh. Tại các điểm xuất hàng này DN thường có nhu cầu xuất hàng ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ và phải phụ thuộc vào yêu cầu thời gian giao hàng của đối tác (thường là chỉ biết trước 1 - 2 giờ), thời điểm này cửa khẩu cũng đã đóng cửa. Do vậy, DN không thể đăng ký làm thủ tục với cơ quan hải quan trong giờ hành chính mà thường là ngoài giờ hành chính và vào ngày nghỉ, ngày lễ.
Đồng thời, Tổng cục Hải quan cũng đề xuất việc đơn giản hóa thủ tục khai hải quan so với quy định hiện hành. Đơn cử, Điểm e Khoản 1 Điều 18 TT38 quy định: “Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là phương tiện vận tải đường biển, đường sông, đường hàng không, đường sắt thì người khai hải quan phải khai...; khai và làm thủ tục hải quan nhập cảnh trước khi làm thủ tục nhập khẩu; trường hợp là phương tiện vận tải đường bộ…”.
Quy định này đã gặp vướng mắc khi tàu biển làm thủ tục nhập khẩu phát sinh 2 thủ tục: nhập cảnh và nhập khẩu. Thực tế đã phát sinh trường hợp DN mua tàu từ nước ngoài về Việt Nam chỉ làm thủ tục nhập cảnh mà không làm thủ tục nhập khẩu, hoặc làm thủ tục nhập khẩu không đúng thời hạn quy định của Luật Hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu, khi phát hiện vụ việc, đối chiếu với quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan thì xác định hành vi vi phạm là không khai hải quan (nhập khẩu).
Tháo gỡ bất cập này, Tổng cục Hải quan đề xuất hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là phương tiện vận tải đường biển, đường sông, đường hàng không, đường sắt thì người khai hải quan phải khai và hoàn thành thủ tục xuất khẩu trước khi làm thủ tục xuất cảnh; khai và làm thủ tục hải quan nhập cảnh trước khi làm thủ tục nhập khẩu. Thời hạn nộp hồ sơ hải quan khi làm thủ tục nhập khẩu thực hiện theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 25 Luật Hải quan tại lần nhập cảnh đầu tiên; trường hợp là phương tiện vận tải đường bộ hoặc phương tiện được các phương tiện khác vận chuyển qua cửa khẩu thì phải khai và làm thủ tục hải quan XNK, không phải làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh.
Còn nhiều vấn đề cần làm rõ để hoàn thiện
Cũng theo ông Tuấn, dự thảo TT sửa đổi bổ sung TT 39 còn nhiều điểm cần tiếp tục làm rõ để hoàn thiện trước khi trình Bộ Tài chính. Cụ thể, qua các cuộc họp đại diện các cục hải quan địa phương cũng đưa ra một số đề xuất làm rõ và cân nhắc hướng giải quyết, liên quan đến khái niệm bản chụp, bản sao… trong hồ sơ hải quan để thống nhất trong thực thi; thủ tục bổ sung đối với hàng thiếu, thừa khi đã ra khỏi khu vực giám sát hải quan; đặc biệt là những vấn đề liên quan đến loại hình XNK tại chỗ; việc tạo thuận lợi cho DN khu chế xuất khi thuê kho bãi để phục vụ mở rộng sản xuất…
Tổ soạn thảo dự thảo TT sửa đổi bổ sung TT 39 cho biết sẽ nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của các cục hải quan tỉnh, thành phố nhằm đảm bảo phù hợp với các nghị định hướng dẫn Luật Hải quan và các văn bản luật hiện hành; phù hợp với điều khoản tại dự thảo nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, ban hành trong thời gian tới.
Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam