Thuế nhập khẩu ô tô đầu kéo đã qua sử dụng tăng lên 30%
Ngày 25/05/2016
Nhằm tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh nhập nguyên chiếc và nhập linh kiện lắp ráp ôtô trong nước, Bộ Tài chính dự kiến sẽ tăng sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với xe ô tô đầu kéo đã qua sử dụng lên 30%, đồng thời giảm thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng lắp ráp, sản xuất xe ô tô đầu kéo và sơ mi rơ-moóc xuống 0%.
Bộ Tài chính vừa xin ý kiến các bộ ngành, hiệp hội doanh nghiệp liên quan về đề xuất điều chỉnh thuế nhập khẩu xe ô tô đầu kéo, rơ-moóc, sơ mi rơ-moóc, linh kiện của xe ô tô đầu kéo, rơ-moóc, sơ mi rơ-moóc.
Trước đó, Bộ Tài chính cho biết đã nhận được kiến nghị điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với chủng loại xe đầu kéo nhập khẩu nguyên chiếc, xe đầu kéo đã qua sử dụng nhập khẩu nguyên chiếc và xe sơ mi rơ-moóc nhập khẩu nguyên chiếc của Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI).
Tại văn bản này, VAMI cho rằng, thuế nhập khẩu xe đầu kéo nguyên chiếc (nhập CBU), xe sơ mi rơ-moóc hiện hành còn rất thấp so với nhập linh kiện (nhập CKD), dẫn đến việc cạnh tranh không công bằng giữa DN kinh doanh nhập nguyên chiếc và DN kinh doanh nhập linh kiện lắp ráp.
Việc điều chỉnh thuế là để tránh thất thu nguồn thuế cho nhà nước, tạo được sự cạnh tranh bình đẳng giữa các DN kinh doanh ô tô trong nước, đáp ứng được mục tiêu chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô tải tại Việt Nam, thực hiện nghiêm túc quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn 2035 của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, VAMI kiến nghị Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu nhập nguyên chiếc lên 20%; điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu linh kiện xe đầu kéo về mức 0%; điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu đối với xe đầu kéo đã qua sử dụng lên 50%; tăng thuế nhập khẩu đối với xe sơ mi rơ-moóc nhập khẩu nguyên chiếc lên 50%.
Chấp thuận một phần kiến nghị tăng thuế
Nêu quan điểm tại văn bản xin ý kiến bộ, ngành, hiệp hội DN, Bộ Tài chính cho biết, kiến nghị của VAMI về tăng thuế nhập khẩu xe đầu kéo nguyên chiếc từ 5% lên 20% và xe sơ mi rơ-moóc từ 20% lên 50% là không phù hợp với cam kết WTO.
Lý do là thuế nhập khẩu MFN hiện được quy định đối với mặt hàng xe đầu kéo nguyên chiếc, mã hàng 8716.39.99 hiện là 5%, bằng cam kết WTO; đối với mặt hàng xe sơ mi rơ-moóc, mã hàng 8716.39.99 là 20%, cũng bằng cam kết WTO.
Về kiến nghị tăng thuế nhập khẩu đối với xe ô tô đầu kéo đã qua sử dụng lên 50%, Bộ Tài chính cho biết, theo cam kết WTO thì không cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu đối với xe ô tô đầu kéo đã qua sử dụng. Vì vậy việc điều chỉnh tăng thuế suất lên mức 50% là không vi phạm cam kết, tuy nhiên mức tăng phải phù hợp với khung thuế suất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quy định.
Căn cứ quy định khung thuế suất do UBTVQH quy định đối với nhóm 8701 là 0-30%, có thể tăng mức thuế suất của mặt hàng xe ô tô đầu kéo đã qua sử dụng từ 5% lên 30%, bằng với mức trần của khung thuế suất nhằm hạn chế nhập khẩu xe đã qua sử dụng, kém chất lượng, gây ô nhiễm môi trường.
Do mặt hàng ô tô đầu kéo nguyên chiếc thuộc các mã hàng 8701.20.90, 8701.90.90 (không chỉ riêng mã hàng 8701.90.90 như VAMI kiến nghị) nên Bộ Tài chính dự kiến tăng thuế đối với cả 2 mã hàng này nhằm đảm bảo điều chỉnh chính sách đồng bộ.
Thuế linh kiện xe đầu kéo giảm về 0%
Đối với kiến nghị giảm thuế nhập khẩu linh kiện xe đầu kéo về mức 0% của VAMI, Bộ Tài chính cho biết, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, hiện nay lượng xe ô tô đầu kéo và sơ mi rơ-moóc nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Trung Quốc (75% đối với ô tô đầu kéo và 94% đối với sơ mi rơ-moóc).
Tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu từ thị trường trong nước cao có thể một phần do thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ACFTA đối với các chủng loại xe này là 0%. Trong khi đó, thuế suất MFN đối với ô tô đầu kéo là 5%; sơ mi rơ-moóc (gồm cả sơ mi rơ-moóc loại nhà lưu động, dùng là nhà ở hoặc cắm trại, sơ mi rơ-moóc loại tự bốc hoặc dỡ hàng dùng trong nông nghiệp, sơ mi rơ-moóc gắn xi téc) là 5% và 20%.
Theo tính toán của VAMI, chi phí thuế nhập khẩu chiếm 7,5%, theo đó chênh lệch giữa thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc (CBU) và thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng rời (CKD) là từ 2,5% - 7,5% đối với xe đầu kéo và từ 12,5% - 20% đối với xe sơ mi rơ-moóc, do vậy xe sản xuất lắp ráp trong nước không thể cạnh tranh được với xe nguyên chiếc nhập khẩu.
Vì vậy theo Bộ Tài chính, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước, kiến nghị giảm linh kiện, phụ tùng lắp ráp, sản xuất xe ô tô đầu kéo và sơ mi rơ-moóc xuống 0% nên được xem xét.
Linh kiện, phụ tùng xe ô tô, trong đó bao gồm cả linh kiện để sản xuất lắp ráp xe ô tô đầu kéo, sơ mi rơ-moóc gồm nhiều dòng thuế nằm rải rác trong toàn Biểu thuế (chủ yếu thuộc các Chương 40, 70, 73, 84, 85, 87, 94).
Trong đó có loại được định danh cụ thể là linh kiện, phụ tùng dùng cho xe thuộc nhóm 87.01 (xe ô tô đầu kéo) như động cơ xăng, bánh xe có răng, đĩa xích, thanh chắn, bộ phận và phụ kiện của thân xe, phanh và trợ lực của phanh, hộp số, cầu chủ động có vi sai, bánh xe, hệ thống giảm chấn..., có loại không được định danh cụ thể tên, xếp chung với linh kiện, phụ tùng của xe khác (xe chở người, xe tải) như săm, lốp, ghế, kính, trục các đăng...
Do vậy, để đảm bảo thực hiện theo nguyên tắc thuế suất linh kiện, phụ tùng, bán thành phẩm phải thấp hơn sản phẩm, vừa khuyến khích sản xuất, lắp ráp xe trong nước vừa không ảnh hưởng đến định hướng sản xuất, linh kiện phụ tùng xe ô tô theo theo Quyết định 229/QĐ-TTg ngày 4/2/2016 về cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, Bộ Tài chính dự kiến chi tiết tại Chương 98 Biểu thuế nhập khẩu bộ linh nhóm 98.46 đối với bộ linh kiện rời động bộ và không đồng bộ của ô tô đầu kéo và sơ mi rơ-moóc để sản xuất, lắp ráp ô tô đầu kéo và sơ mi rơ-moóc và quy định mức thuế suất 0%.
Riêng đối với mã hàng 8701.20.10 – Dạng CKD của ô tô đầu kéo dùng để kéo sơ mi rơ-moóc đã được định danh tại 97 Chương của Biểu thuế và có mức thuế nhập khẩu MFN là 5% nên Bộ Tài chính dự kiến giảm thuế nhập khẩu MFN mã hàng 8701.20.10 xuống 0% và không cần chi tiết sang Chương 98.
Ngoài ra, các mặt hàng rơ-moóc hiện đang được xếp cùng mã hàng của các mặt hàng sơ mi rơ-moóc và có tính chất hoàn thiện đầy đủ hơn sơ mi rơ-moóc (gồm các mã hàng 8716.10.00, 8716.20.00, 8716.31.00, 8716.39.40, 8716.39.91, 8716.39.99, 8716.40.00), do vậy cũng cần giảm thuế suất bộ linh kiện rời đồng bộ và không đồng bộ để sản xuất, lắp ráp rơ-moóc, tương tự như đối với sơ mi rơ-moóc để đảm bảo thống nhất chính sách.
Đồng thời để đảm bảo chính sách ưu đãi đúng đối tượng là doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đầu kéo và rơ-moóc, sơ mi rơ-moóc, Bộ Tài chính dự kiến bổ sung tại điểm 3 mục I Chương 98 khoản b.12 quy định một số điều kiện để áp dụng mức thuế suất ưu đãi (tương tự như đối với bộ linh kiện rời đồng bộ và không đồng bộ của ô tô để sản xuất, lắp ráp ô tô thuộc nhóm 98.21).
Chi tiết dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xe ô tô đầu kéo, bộ linh kiện rời động bộ và không đồng bộ của ô tô đầu kéo và rơ-moóc, sơ mi rơ-moóc tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư số 182/2015/TT-BTC ngày 16/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính./.
Nguồn: Thời báo tài chính Việt Nam