Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi): Đảm bảo quản lý thuế chặt chẽ đối với hoạt động thương mại điện tử
Ngày 19/03/2019
Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) với việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các bộ, ngành như: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đảm bảo hoàn thiện cơ sở pháp lý để quản lý thuế chặt chẽ đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT).
PV: Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có quy định trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phối hợp với cơ quan thuế cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
- Bà Nguyễn Thị Cúc: Ở Việt Nam hiện nay hoạt động kinh doanh mua bán hàng hóa qua mạng internet, mạng xã hội, thậm chí cả truyền hình trực tuyến khá phong phú và đa dạng.
Để đưa vào khung khổ pháp lý, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) bổ sung thêm nội dung quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Hiện nay chúng ta cũng đã có thông tư quy định về hoạt động kinh doanh TMĐT, nhưng chưa đưa vào luật. Hình thức kinh doanh TMĐT ngày càng phát triển, vì thế vấn đề quản lý thu thuế đối với hoạt động này lại cần phải đặt ra. Điều này vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, vừa đảm bảo bình đẳng giữa hoạt động kinh doanh truyền thống và kinh doanh TMĐT.
Trong quản lý thu thuế có 2 vấn đề đặt ra, thứ nhất là làm thế nào để nắm được doanh thu; thứ hai là cách thu thuế như thế nào. Theo tôi, để quản lý được doanh thu, thì cần phải có sự phối hợp với ngân hàng. Vì hiện nay, với trường hợp người Việt Nam cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng cho các trang web nước ngoài thường được thanh toán qua ngân hàng, cũng có trường hợp thanh toán tiền mặt, nhưng rất ít; hoặc việc bán hàng qua mạng (vatgia.com, amazon.com) thì việc thanh toán chủ yếu cũng qua ngân hàng. Thực tế đó cho thấy, vai trò của ngân hàng trong việc xác định các giao dịch, từ đó xác định nghĩa vụ thuế đối với hoạt động TMĐT là rất quan trọng.
Luật Quản lý thuế hiện hành chỉ quy định ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản khách hàng (cá nhân) khi người nộp thuế vi phạm, còn những trường hợp khác thì chưa có quy định. Do đó, việc đưa vào Luật Quản lý thuế (sửa đổi) về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các ngân hàng thương mại trong việc cung cấp thông tin khách hàng là rất cần thiết để quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.
PV: Như bà vừa nói thì việc quy định nghĩa vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế là rất cần thiết. Vậy vì sao vẫn có những ý kiến khác nhau về vấn đề này?
- Bà Nguyễn Thị Cúc: Tôi có tham gia một số cuộc hội thảo lấy ý kiến cho Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Có một số ý kiến từ các ngân hàng cho rằng thông tin khách hàng là thông tin bí mật, nên không thể cung cấp cho cơ quan thuế. Chúng ta cũng biết rằng, trong Luật Quản lý thuế hiện hành đã có quy định cơ quan thuế có trách nhiệm đảm bảo bí mật thông tin của người nộp thuế. Vậy thông tin khách hàng mà ngân hàng cung cấp cho cơ quan thuế cũng sẽ được cơ quan thuế đảm bảo bí mật. Nghĩa là, khi cơ quan thuế sử dụng thông tin khách hàng, cũng phải đảm bảo không để lộ thông tin của khách hàng. Chỉ khi nào người nộp thuế (khách hàng) vi phạm pháp luật, lúc đó cơ quan thuế mới công bố.
Tôi nghĩ rằng, các ngân hàng thương mại dù hoạt động kinh doanh cũng phải có trách nhiệm trong việc thu ngân sách nhà nước. Vấn đề đặt ra ở đây là sau khi đưa vào Luật, hai bên (Tổng cục Thuế và Ngân hàng Nhà nước) cần phải có quy chế phối hợp chặt chẽ, làm rõ trách nhiệm của mỗi bên trong trao đổi thông tin. Phía Ngân hàng Nhà nước phải chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế; còn phía cơ quan thuế (Tổng cục Thuế) phải đảm bảo thông tin của khách hàng được bảo mật tuyệt đối.
PV: Là thành viên trong Ban soạn thảo Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), xin bà cho biết các quy định trong dự thảo Luật đã đảm bảo quản lý thuế chặt chẽ đối với hoạt động TMĐT hiện nay chưa?
- Bà Nguyễn Thị Cúc: Đúng là việc quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT trong bối cảnh hiện nay là rất khó khăn. Bên cạnh việc quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của Ngân hàng Nhà nước, Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cũng quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông. Vì hiện nay Bộ Công thương là đơn vị quản lý hoạt động TMĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông có thể theo dõi lịch sử hoạt động của các trang web, cũng như các tài khoản Facebook.
Hơn nữa, hiện nay đã có Luật An ninh mạng, việc quản lý cơ sở dữ liệu, cũng như khai thác cơ sở dữ liệu liên quan đến hoạt động TMĐT để xác định nghĩa vụ thuế là hết sức cần thiết. Có thể nói, với việc quy định trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan như đã đề cập trên đây trong Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã đảm bảo hoàn thiện cơ sở pháp lý để quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT hiện nay.
PV: Xin cảm ơn bà!
Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam