Hướng dẫn về đối tượng không chịu thuế GTGT
Ngày 10/10/2018
Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phana (TPHCM) chuyên sản xuất dụng cụ cho người khuyết tật, tàn tật. Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty đề nghị được hướng dẫn việc xác nhận sản phẩm, áp dụng chính sách thuế cho sản phẩm của Công ty.
Công ty tham khảo Khoản 24, Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế GTGT có quy định đối tượng không chịu thuế GTGT như sau:
"Sản phẩm nhân tạo dùng để thay thế cho bộ phận cơ thể của người bệnh, bao gồm cả sản phẩm là bộ phận cấy ghép lâu dài trong cơ thể người; nạng, xe lăn và dụng cụ chuyên dùng khác dùng cho người tàn tật".
Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phana đề nghị làm rõ dụng cụ nào được gọi là "dụng cụ chuyên dùng khác dùng cho người tàn tật" và cơ quan nào có thẩm quyền xem xét và xác nhận sản phẩm của Công ty là sản phẩm chuyên dùng cho người tàn tật?
Cụ thể, sản phẩm cầu thang tập đi cho người khuyết tật vận động (chữ L) có phải là sản phẩm chuyên dùng khác cho người tàn tật hay không và mức thuế áp dụng là bao nhiêu?
Về vấn đề này, Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
Tại Khoản 24, Điều 5 Luật Thuế GTGT quy định về đối tượng không chịu thuế như sau:
“24. Sản phẩm nhân tạo dùng để thay thế cho bộ phận cơ thể của người bệnh; nạng, xe lăn và dụng cụ chuyên dùng khác cho người tàn tật”.
Tại Khoản 2, Điều 8 Luật Thuế GTGT quy định mức thuế suất 5% như sau:
“Thiết bị, dụng cụ y tế, bông, băng vệ sinh y tế; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh; sản phẩm hóa dược, dược liệu là nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”.
Tại Khoản 24, Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về đối tượng không chịu thuế như sau:
“24. Sản phẩm nhân tạo dùng để thay thế cho bộ phận cơ thể của người bệnh, bao gồm cả sản phẩm là bộ phận cấy ghép lâu dài trong cơ thể người; nạng, xe lăn và dụng cụ chuyên dùng khác dùng cho người tàn tật”.
Khoản 11, Điều 10 Thông tư số 219/2013/TT-BTC hướng dẫn thuế suất 5% như sau:
“11. Thiết bị, dụng cụ y tế gồm máy móc và dụng cụ chuyên dùng cho y tế như: Các loại máy soi, chiếu, chụp dùng để khám, chữa bệnh; các thiết bị, dụng cụ chuyên dùng để mổ, điều trị vết thương, ô tô cứu thương; dụng cụ đo huyết áp, tim, mạch, dụng cụ truyền máu; bơm kim tiêm; dụng cụ phòng tránh thai và các dụng cụ, thiết bị chuyên dùng cho y tế khác theo xác nhận của Bộ Y tế.
Bông, băng, gạc y tế và băng vệ sinh y tế; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh bao gồm thuốc thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc, trừ thực phẩm chức năng; vắc-xin; sinh phẩm y tế, nước cất để pha chế thuốc tiêm, dịch truyền; vật tư hóa chất xét nghiệm, diệt khuẩn dùng trong y tế; mũ, quần áo, khẩu trang, săng mổ, bao tay, bao chi dưới, bao giày, khăn, găng tay chuyên dùng cho y tế, túi đặt ngực và chất làm đầy da (không bao gồm mỹ phẩm)”.
Xác định dụng cụ chuyên dùng cho người tàn tật
Ngày 31/5/2018, Tổng cục Thuế đã có Công văn số 2124/TCT-CS gửi xin ý kiến Bộ Y tế về việc xác định dụng cụ chuyên dùng cho người tàn tật. Ngày 25/6/2018, Bộ Y tế đã có Công văn số 3579/TB-CT phúc đáp như sau:
- Căn cứ Danh mục trang thiết bị y tế thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế được xác định mã hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam (ban hành kèm theo Thông tư số 14/2018/TT-BYT ngày 15/5/2018 của Bộ Y tế), những sản phẩm là trang thiết bị y tế thường dùng cho người tàn tật được liệt kê và mô tả tại các nhóm mã hàng 8713 và 9021.
- Căn cứ Biểu thuế GTGT nằm trong Thông tư số 83/2014/TT-BTC ngày 26/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thuế GTGT theo Danh mục hàng hóa nhập khẩu Việt Nam, những sản phẩm nằm trong nhóm mã hàng trên đều không chịu thuế GTGT. Riêng nhóm hàng Băng nẹp (trừ nẹp gắn trong cơ thể người, dụng cụ chỉnh hình thuộc nhóm 9021 chịu mức thuế GTGT là 5%.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính Phủ