Nghị định mới về Hoá đơn điện tử
Ngày 25/09/2018
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 119/2018/NĐ-CP (NĐ 119) quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/11/2018.
Đáng chú ý trong đó, để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (NVV), DN mới thành lập, nhất là các DN hoạt động tại địa bàn khó khăn, Chính phủ đã quy định Tổng cục Thuế cung cấp dịch vụ HĐĐT có mã của cơ quan thuế không thu tiền đối với các đối tượng này…
Ưu tiên DNNVV, DN mới thành lập
Cụ thể tại khoản 1, Điều 13 của NĐ 119 có quy định: Tổng cục Thuế cung cấp dịch vụ HĐĐT có mã của cơ quan thuế không thu tiền đối với các DN, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh thuộc các trường hợp sau: DNNVV, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Đối tượng được hưởng miễn phí HĐĐT có mã còn có các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật; hộ, cá nhân kinh doanh chuyển đổi thành DN trong thời gian 12 tháng kể từ khi thành lập DN. Hộ gia đình kinh doanh và cá nhân kinh doanh có doanh thu năm trước liền kề từ 3 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng; hoặc doanh thu năm trước liền kề từ 10 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ theo quy định trong thời hạn 12 tháng kể từ tháng áp dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế.
Ngoài các đối tượng trên, DNNVV khác theo đề nghị của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và quy định của Bộ Tài chính, trừ DN hoạt động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Các trường hợp khác cần thiết để khuyến khích sử dụng HĐĐT do Bộ Tài chính quyết định cũng được hưởng miễn phí HĐĐT có mã.
NĐ 119 cũng quy định, ngoài Tổng cục Thuế trực tiếp cung cấp dịch vụ HĐĐT miễn phí, Tổng cục Thuế cũng có thể ủy thác cho tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT miễn phí đối với DNNVV trên đây.
Đối với mức phí phải trả, NĐ 119 quy định tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT khi cung cấp dịch vụ HĐĐT được thu tiền dịch vụ theo thỏa thuận tại hợp đồng ký giữa tổ chức cung cấp dịch vụ và bên nhận dịch vụ là các DN, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh không thuộc trường hợp được miễn phí cung cấp dịch vụ.
Theo ước tính sơ bộ của Tổng cục Thuế, mỗi năm sử dụng trên 4 tỷ hóa đơn giấy. Ước tính chi phí để in 1 hóa đơn giấy là khoảng trên 1.000 đồng/hóa đơn. Như vậy, với số lượng 4 tỷ hóa đơn/năm, thì chi phí mỗi năm bỏ ra để in hóa đơn lên đến trên dưới 4.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu sử dụng HĐĐT, số tiền mà DN có thể tiết kiệm được khoảng 3.000 tỷ đồng/năm.
Thể hiện tính ưu việt của chính sách thuế
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, Luật sư Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Công ty Luật TNHH Labor Law cho rằng, điều khoản quy định về cấp HĐĐT miễn phí tại NĐ 119 là rất ưu việt, nhằm ưu tiên khối DN nhỏ, siêu nhỏ.
“Chính sách pháp luật này có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự phát triển của DN, bởi lẽ khối DN nhỏ và siêu nhỏ có thể tạo ra đến 40% tổng sản phẩm quốc nội, cũng như cơ hội việc làm rất lớn cho người lao động trẻ. Một DN nhỏ vừa đi vào hoạt động cần cắt giảm rất nhiều chi phí, với chính sách pháp luật này, vừa giảm bớt gánh nặng về chi phí in hóa đơn, giảm bớt được các thủ tục khai báo thuế phức tạp. Bởi lẽ, HĐĐT được Tổng cục Thuế cấp mã xác thực, hay còn gọi là chuỗi ký tự được mã hóa giúp cho các DN nhỏ không phải mất chi phí để nuôi 1 bộ máy kế toán cồng kềnh”, luật sư Lê Thị Hồng Vân nói.
Cũng theo luật sư Lê Thị Hồng Vân, bên cạnh việc hỗ trợ nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DNNVV, như: Xây dựng và ban hành các luật tạo thuận lợi trong cấp giấy phép, cung cấp thông tin, đào tạo nguồn lực quản lý, hỗ trợ về công nghệ... thì việc ban hành chính sách cung cấp dịch vụ HĐĐT miễn phí cho DN nhỏ và siêu nhỏ, hộ cá nhân kinh doanh tại NĐ 119 có lợi cho việc chuyển dịch cơ cấu, đưa HĐĐT vào vận hành trong các DN một cách thuận lợi, dễ dàng hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, luật sư Lê Thị Hồng Vân cho rằng, để bắt kịp tính ưu việt của chính sách pháp luật này, các DN nhỏ, siêu nhỏ cần được hướng dẫn cụ thể về cách thức thực hiện HĐĐT, cũng như nắm rõ thông tin về cách xử lý những tình huống phát sinh đối với HĐĐT để tạo ra một bước tiến lớn trong chính sách kinh tế của Việt Nam.
Các loại hóa đơn đang áp dụng hiện nay
- Hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT), là loại hóa đơn dành cho các tổ chức khai, tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ trong các hoạt động sau: bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong nội địa; hoạt động vận tải quốc tế; xuất vào khu vực phi phế quan và các trường hợp coi như xuất khẩu.
- Hóa đơn bán hàng, dùng cho các đối tượng sau đây: tổ chức, cá nhân khai, tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp khi bán hàng hóa, dịch vụ trong nội địa, xuất khẩu vào khu phi thuế quan; tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ vào nội địa và khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan với nhau.
- Các hóa đơn khác gồm: tem, vé, thẻ; phiếu thu tiền bảo hiểm.
Các hình thức hóa đơn
- Hóa đơn tự in: Là hóa đơn do các tổ chức kinh doanh tự in ra trên các thiết bị tin học, máy tính tiền, hoặc các máy khác khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
- HĐĐT: Là tập hợp các thông điệp dữ liệu điện tử về bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, được khởi tạo, lập, gửi, nhận, lưu trữ và quản lý theo quy định.
- Hóa đơn đặt in: Là hóa đơn do các tổ chức đặt in theo mẫu để sử dụng cho các hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, hoặc do cơ quan thuế đặt in theo mẫu để cấp, bán cho các tổ chức, hộ cá nhân.
- Các chứng từ được in, phát hành, sử dụng và quản lý như hóa đơn gồm: Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý…
* Bà Trần Thị Yến Hằng - Phó Giám đốc Công ty TNHH Đắc Vinh (Đà Nẵng):
Mong muốn sớm được áp dụng HĐĐT
Việc sử dụng hóa đơn giấy khiến công ty tốn kém nhiều chi phí trong việc in ấn, cũng như lưu trữ hóa đơn. Vì vậy, tôi rất mong công ty của tôi được sử dụng HĐĐT để thay thế cho hóa đơn giấy hiện nay. Để triển khai HĐĐT được thuận lợi, cơ quan thuế cần tổ chức các buổi tập huấn cho các DN; phân tích, so sánh những ưu, nhược điểm giữa việc sử dụng hóa đơn giấy và HĐĐT để các DN nhận thức được những lợi ích hiện tại và tương lai mang lại.
Bản thân công ty chúng tôi rất mong muốn được sử dụng HĐĐT, nhưng lại phụ thuộc vào khách hàng. Vì vậy, theo tôi, cơ quan thuế cần hỗ trợ tuyên truyền đến tất cả các cá nhân, hộ kinh doanh và nếu được, tuyên truyền đến tất cả các kênh thông tin để mọi người được biết lợi ích của việc sử dụng HĐĐT.
Nguồn: Thời báo tài chính Việt Nam