Doanh nghiệp lo lắng khi "phải" chuyển sang hoá đơn điện tử
Ngày 11/09/2017
Ngoài những lợi ích mà hoá đơn điện tử đem lại như tiết kiệm chi phí lưu trữ, vận chuyển, tránh được tình trạng hoá đơn giả,... nhiều Doanh nghiệp tỏ ra lo lắng vì những bất cập có thể xảy ra khi "phải" áp dụng hoá đơn điện tử từ năm 2018.
Theo dự thảo nghị định quy định về hóa đơn bán hàng và cung ứng dịch vụ do Bộ Tài chính soạn thảo, từ đầu năm 2018 sẽ sử dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy.
Tuy nhiên, tại hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo nghị định trên do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Bộ Tài chính tổ chức ngày 8-9 ở TP.HCM, các doanh nghiệp (DN) bày tỏ nhiều lo ngại.
Tốn 300 triệu/tháng cho hóa đơn
Đại diện Ngân hàng Phương Đông cho biết đã bắt đầu sử dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy từ năm 2016. Qua đó tiết kiệm được chi phí lưu trữ, chi phí in và thuận lợi trong quản lý thông tin lẫn doanh thu.
Tuy nhiên, theo dự thảo nghị định quy định về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ thì từ đầu năm 2018, hóa đơn điện tử phải có mã xác thực của cơ quan thuế. Mức phí cho mỗi hóa đơn điện tử có mã xác thực là 300 đồng, tính ra mỗi tháng ngân hàng phải tốn chi phí khoảng 300 triệu đồng.
“Mục đích của việc chuyển từ sử dụng hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử là để giúp DN tiết kiệm chi phí. Nếu thực tế DN vẫn tốn mức phí quá lớn thì cần phải xem lại” - đại diện Ngân hàng Phương Đông nêu quan điểm.
Một số DN khác cũng đề xuất không nên thu phí dịch vụ trên từng hóa đơn mà nên để DN tự chủ động trong dịch vụ hóa đơn điện tử. Sau đó nhà kinh doanh sẽ gửi bản kê khai hóa đơn hằng tháng cho cơ quan thuế, như vậy sẽ giảm chi phí và phiền phức cho DN.
Đại diện Công ty Ajinomoto Việt Nam lo lắng cộng đồng DN sẽ gặp khó khăn với các cơ quan quản lý. “Trường hợp vận chuyển hàng hóa trên đường đi, DN phải cầm theo hóa đơn đỏ để các cơ quan chức năng kiểm tra. Vậy khi quy định sử dụng hóa đơn điện tử có hiệu lực thì chúng tôi biết đưa ra cái gì để cán bộ kiểm tra? Hơn nữa, hiện tại mới chỉ có TP.HCM, Hà Nội triển khai hóa đơn điện tử. Trong khi DN hoạt động khắp cả nước với rất nhiều khách hàng khác nhau. Đây là vấn đề mà ngành thuế cần xem xét để tránh gây phiền phức cho người kinh doanh” - đại diện Ajinomoto Việt Nam nêu vấn đề.
Ngoài ra, không ít DN lo ngại hạ tầng công nghệ thông tin của Việt Nam còn kém, không đáp ứng điều kiện kết nối dữ liệu của cơ quan thuế. Cụ thể, đại diện một công ty xuất nhập khẩu dẫn số liệu cho thấy hiện nay có hơn 4 tỉ hóa đơn gồm cả hóa đơn điện tử và hóa đơn giấy trong toàn nền kinh tế. Nếu áp dụng hóa đơn điện tử, con số hóa đơn sẽ lên tới khoảng 5-6 tỉ.
“Khi đó liệu ngành thuế có đủ sức quản lý dữ liệu lớn này và nếu có sự cố thông tin sẽ gây náo loạn hoạt động DN. Đặc biệt, chi phí khắc phục sự cố sẽ gây thiệt hại rất lớn cho DN” - đại diện DN trên cảnh báo.
Đề nghị có lộ trình 1-2 năm
Trước những thắc mắc của cộng đồng DN, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ Chính sách thuế thuộc Tổng cục Thuế, cho hay đến cuối năm ngoái cả nước có 315 DN sử dụng hóa đơn điện tử với hơn 2,4 triệu hóa đơn xác thực của ngành thuế.
Qua việc thí điểm tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy hóa đơn điện tử giúp DN lẫn cơ quan thuế giảm thời gian làm thủ tục hóa đơn. Chẳng hạn với hóa đơn giấy, DN tốn năm công đoạn trong khi hóa đơn điện tử chỉ một công đoạn đăng ký là xong. Bên cạnh đó, DN giảm được chi phí in, lưu trữ, giúp sàng lọc hóa đơn của các DN bỏ trốn, loại bỏ được tình trạng hóa đơn giả…
“Tuy nhiên, cơ quan thuế sẽ tiếp thu các ý kiến của DN để chỉnh sửa, bổ sung cho dự thảo nghị định quy định về hóa đơn bán hàng và cung ứng dịch vụ. Qua đó tạo thuận lợi, giảm chi phí cho DN và hỗ trợ DN giai đoạn đầu áp dụng hóa đơn điện tử” - bà Hà cam kết.
Đại diện ngành thuế cũng cam kết sẽ xây dựng cổng dữ liệu thông tin về hóa đơn điện tử kết nối đồng bộ với các cơ quan, ban ngành để tránh gây khó khăn cho DN. Ví dụ trường hợp vận chuyển hàng hóa trên đường, DN chỉ cần đọc mã số hóa đơn điện tử, cơ quan quản lý lẫn DN có thể truy cập vào hệ thống.
Tuy vậy, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, cho rằng đồng loạt sử dụng hóa đơn điện tử từ đầu năm 2018 là “quá gấp gáp, không đủ thời gian cho DN chuẩn bị”. Do vậy, ông Tuấn đề nghị cần có lộ trình 1-2 năm để DN lẫn cơ quan thuế có thể chuẩn bị tốt. Trong thời gian này DN vẫn sử dụng hóa đơn giấy và hóa đơn điện tử song song tùy trường hợp.
Áp dụng hóa đơn điện tử ra sao?
Theo dự thảo nghị định quy định về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ, đối với các DN trước năm 2018 đã sử dụng hóa đơn điện tử hoặc hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế thì tiếp tục sử dụng hóa đơn điện tử đang áp dụng từ ngày 1-1-2018. Đối với DN có rủi ro cao về thuế áp dụng sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 1-1-2018.
Đối với tổ chức kinh doanh có mã số thuế trước năm 2018 sử dụng hóa đơn tự in hệ thống máy tính, các DN và tổ chức kinh tế đang mua hóa đơn của cơ quan thuế thì từ ngày 1-7-2018 mới sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử do DN tự phát hành nếu đáp ứng đủ các điều kiện.
DN, tổ chức kinh tế trước năm 2018 sử dụng hóa đơn đặt in thì trong năm 2018 tiếp tục sử dụng hóa đơn đặt in và Tổng cục Thuế có giải pháp chuyển đổi dần sang áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. Trường hợp đủ điều kiện thì áp dụng hóa đơn điện tử do DN tự phát hành.
Lo bị ép giá hóa đơn
Theo dự thảo nghị định quy định về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ của Bộ Tài chính, tổ chức T-VAN là đơn vị cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế từ ngày 1-1-2018. Hiện nay có tám đơn vị cung cấp dịch vụ này.
Do đó trách nhiệm, năng lực… của các đơn vị cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử cần được đề cập rõ trong nghị định. Mặt khác, để DN không bị ép giá khi sử dụng hóa đơn thì Nhà nước cần minh bạch và thống nhất giá dịch vụ. Không thể để các đơn vị cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử tự do đặt giá cả, ép giá.
Nguồn: Pháp luật TP.HCM