Các luật mới trong lĩnh vực tài chính có hiệu lực từ năm 2017
Ngày 28/12/2016
Luật Ngân sách nhà nước; Luật Phí, lệ phí và Luật Kế toán là ba luật trong lĩnh vực tài chính sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2017.
Bước tiến lớn trong quản lý điều hành ngân sách
Được Quốc hội thông qua ngày 25/6/2015, Luật NSNN (sửa đổi) gồm có 7 Chương, 77 Điều, quy định về lập, chấp hành, kiểm toán, quyết toán, giám sát NSNN; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực NSNN.
Bám sát Điều 55 Hiến pháp 2013, Luật NSNN quy định “NSNN gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, trong đó ngân sách trung ương giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm nhiệm vụ chi của quốc gia. Các khoản thu, chi NSNN phải được dự toán và do luật định”.
Luật NSNN mới đã thể hiện sự thống nhất xuyên suốt trong các quy định về chính sách thu, chi ngân sách, định mức phân bổ ngân sách, bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp… Các chính sách, chế độ, tiêu chuẩn về chi NSNN đều do trung ương ban hành và thực hiện thống nhất trong phạm vi cả nước.
Lần đầu tiên, Luật quy định bội chi ngân sách địa phương (NSĐP) là một cấu phần trong bội chi NSNN. Đây là điểm mới quan trọng để tăng cường kiểm soát bội chi NSNN.
Để quản lý hiệu quả việc sử dụng ngân sách, Luật giao Chính phủ quy định việc thực hiện quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ, đồng thời, tại khoản 1 điều 61 quy định: “Thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách chịu trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng ngân sách theo dự toán được giao, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, đúng chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách”.
Khung pháp lý đồng bộ trong quản lý phí, lệ phí
Được thông qua cuối năm 2015, Luật Phí, lệ phí có mục tiêu thiết lập khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ về quản lý phí, lệ phí, đảm bảo thống nhất, phù hợp với quy định tại Luật NSNN (sửa đổi) và các văn bản pháp luật có liên quan; từng bước tập trung phản ánh kịp thời, đầy đủ nguồn thu từ phí, lệ phí, khắc phục hạn chế trong quản lý nguồn thu từ phí, lệ phí; đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ công phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; góp phần thúc đẩy cải cách hành chính trong các ngành, lĩnh vực cung cấp các dịch vụ có thu phí, lệ phí.
Luật Phí, lệ phí gồm 6 chương, 25 Điều. So với Pháp lệnh hiện hành, Luật không điều chỉnh đến các dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp. Để khuyến khích xã hội hóa, một số khoản phí trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh phí và lệ phí được chuyển sang cơ giá. Trong đó, có một số dịch vụ mặc dù đã chuyển sang cơ chế giá nhưng Nhà nước vẫn cần quản lý giá.
Để tăng cường phân cấp quản lý phí, lệ phí, Luật Phí, lệ phí đã bổ sung thêm về thẩm quyền miễn, giảm phí, lệ phí. Theo đó, Uỷ ban thường vụ Quốc hội có thẩm quyền quy định miễn, giảm dối với án phí, lệ phí tòa án; Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể đối tượng miễn, giảm đối với từng khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền được phân cấp trong Danh mục phí, lệ phí.
Về nội dung quản lý, sử dụng phí, lệ phí đã được cụ thể hóa tại Luật và đảm bảo thống nhất với Luật NSNN (sửa đổi). Ngoài những nội dung nêu trên, Luật còn quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của tổ chức thu phí, lệ phí, người nộp phí, lệ phí và của các cơ quan nhà nước về quản lý phí, lệ phí.
Bổ sung khái niệm giá trị hợp lý
Đáp ứng yêu cầu hội nhập về tài chính, kế toán, Luật Kế toán 2015 có nhiều quy định mới về nguyên tắc hạch toán, chuẩn mực kế toán, báo cáo tài chính Nhà nước, kiểm soát nội bộ và kiểm tra kế toán, hành nghề dịch vụ kế toán.
Luật Kế toán 2015 bổ sung khái niệm giá trị hợp lý, là giá trị được xác định phù hợp với giá thị trường, có thể nhận được khi bán một tài sản hoặc chuyển nhượng một khoản nợ phải trả tại thời điểm xác định giá trị. Trong khi Luật Kế toán 2003 chỉ quy định về nguyên tắc giá gốc thì việc bổ sung khái niệm này là một thay đổi lớn về nguyên tắc kế ton.
Do việc đánh giá giá trị tài sản và hạch toán theo giá trị hợp lý có tính kỹ thuật cao, để phù hợp với điều kiện của Việt Nam có tài sản có thể đánh giá được theo giá trị thị trường, có tài sản chưa có điều kiện đánh giá được, Luật quy định Bộ Tài chính quy định cụ thể các tài sản và nợ phải trả được ghi nhận và đánh giá lại theo giá trị hợp lý, phương pháp kế toán ghi nhận và đánh giá lại theo giá trị hợp lý.
Bên cạnh đó, Luật Kế toán 2015 cũng bổ sung quy định về báo cáo tài chính Nhà nước. Đây là nội dung mới trong hệ thống kế toán nền kinh tế, cung cấp thông tin về tài sản, nợ phải trả, chi phí, kết quả hoạt động; các khoản phải thu, thặng dư, thâm hụt và lưu chuyển tiền tệ của quốc gia, từng địa phương, đơn vị. Báo cáo tài chính Nhà nước tạo điều kiện cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nắm bắt tình hình biến động vốn, tài sản của đất nước, góp phần quản lý hiệu quả nguồn lực và công khai, minh bạch thông tin về tài chính Nhà nước.
Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam