Xu hướng phát triển "xanh" trong chính sách Thuế
Ngày 26/04/2016
Chính sách thuế đối với tăng trưởng xanh đã được các nước trên thế giới thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như thuế bảo vệ môi trường, thuế carbon, thuế phát thải… Ở Việt Nam, Bộ Tài chính đã lên kế hoạch hành động để rà soát, điều chỉnh chính sách thuế hướng tới bảo vệ môi trường. Đây cũng là một trong những nội dung mà Việt Nam đang nghiên cứu để đưa ra bàn thảo tại hội nghị chuyên đề của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) sẽ diễn ra tại Việt Nam vào năm 2017.
Theo TS Lê Quang Thuận- Viện Chiến lược chính sách tài chính Bộ Tài chính, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước đều có chính sách tài chính, thuế xanh tập trung vào các lĩnh vực cụ thể. Theo đó, Ấn Độ, Trung Quốc, Mexico khuyến khích phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái sinh; Bỉ, Hàn Quốc áp thuế đối với bao bì nhằm giảm lượng rác thải từ các sản phẩm này. Phần Lan áp dụng thuế đánh vào phát thải CO2 với nhiên liệu; Na Uy, Đan Mạch áp dụng thuế carbon đối với nhiên liệu hóa thạch. Thuế carbon có tác dụng ngăn chặn các hoạt động khai thác, sử dụng năng lượng quá mức và làm giảm rõ rệt lượng khí nhà kính. Chỉ tính riêng năm 2012, số lượng các quốc gia áp dụng công cụ thuế carbon tăng gấp đôi, từ 20 lên 40 nước trên thế giới (tập trung chủ yếu ở châu Âu) nên lượng phát thải khí nhà kính ở khu vực này đã giảm 7%. Ngoài ra, nếu áp dụng trong thời gian dài, thuế carbon đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách. Theo dự báo đến năm 2020, ngân sách các nước Đông Nam Á có thể tăng từ 0,5-2% GDP nếu áp dụng mức thuế 20 USD/tấn CO2 phát tải. Cũng với mức thuế này áp dụng tại Trung Quốc (quốc gia có lượng phát thải lớn), có thể tạo ra nguồn thu lên tới 2,5% GDP.
Cùng với các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đã và đang thực hiện một số chính sách tài chính vì mục tiêu tăng trưởng xanh, bao gồm thuế bảo vệ môi trường áp dụng đối với xăng dầu, túi nilong, thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật; thuế TTĐB đối với ôtô và mặt hàng xăng; ưu đãi thuế TNDN đối với DN sản xuất các sản phẩm xanh; miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho đất của các DN thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường. Tuy nhiên thực tế cho thấy, các chính sách tài chính liên quan đến tăng trưởng xanh của Việt Nam chưa thực sự phát huy hiệu quả, chưa xử lý được các hành vi đi ngược lại mục tiêu tăng trưởng xanh.
Để khắc phục những hạn chế này, đồng thời thực hiện mục tiêu kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020, Bộ Tài chính đã xây dựng kế hoạch triển khai và đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện. Theo đó, sẽ thiết kế khung chính sách (thuế, tài chính) hướng đến tăng trưởng xanh, trong đó tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách thuế tài nguyên; bổ sung đối tượng thu thuế bảo vệ môi trường; rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách thuế TNDN theo hướng áp dụng hợp lý các chính sách ưu đãi thuế nhằm khuyến khích sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ ban hành quy chế mua sắm công xanh, trong đó các khoản chi mua sắm từ nguồn NSNN phải ưu tiên hàng hóa có dán nhãn sinh thái, hàng hóa có khả năng tái chế. Từ năm 2017, tất cả các phương tiện cơ giới mua bằng kinh phí công phải đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4, đồng thời ưu tiên các loại phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch (điện, khí hóa lỏng) và xe lai xăng, điện (hybid).
Làm rõ hơn các mục tiêu này ông Thuận cho rằng, trong thời gian tới ngành tài chính, thuế cần nghiên cứu triển khai các chính sách về thuế và tín dụng để tái cơ cấu nền kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển các ngành có giá trị gia tăng cao và ít tiêu hao năng lượng. Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích hỗ trợ các ngành SXKD sử dụng và công nghệ và năng lượng sạch thông qua hỗ trợ về văn bản pháp lý, thủ tục, cơ chế đầu tư thuận lợi; hỗ trợ phát triển các ngành kinh tế xanh mũi nhọn thông qua trực tiếp đầu tư phát triển, hoặc thực hiện các gói đầu tư kích cầu đối với hàng hóa dịch vụ thân thiện với môi trường. Ngoài ra, ngành tài chính cần đa dạng hóa nguồn lực, tăng cường hợp tác công tư nhằm hỗ trợ tốt nhất cho tăng trưởng xanh. Đặc biệt, cần tìm kiếm nguồn lực đầu tư nước ngoài và các tổ chức quốc tế tài trợ cho các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái sinh, công nghệ ít phát thải carbon. Các cơ quan quản lý cùng hướng đến nâng cao nhận thức và thực hiện các biện pháp hành chính cũng như công cụ kinh tế để thúc đẩy lối sống, tiêu dùng thân thiện với môi trường.
Nguồn: Tổng cục Thuế