Những điểm mới tạo thuận lợi cho hoạt động của Doanh nghiệp trong Luật Kế toán
Ngày 19/04/2016
Tỷ lệ góp vốn của các thành viên là tổ chức, kế toán viên vào công ty hành nghề kế toán; quy định về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với kế toán; nghiệp vụ kế toán xuyên biên giới ... là những điểm mới trong Luật Kế toán điều chỉnh nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Ngày 15-4, tại TP.HCM, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán năm 2015, với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội kế toán kiểm toán…
Bộ Tài chính đã xây dựng 4 nghị định để trình Chính phủ ban hành và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Kế toán có hiệu lực vào ngày 1-1-2017. Bao gồm 3 nghị định quy định riêng về: Báo cáo tài chính nhà nước; Kiểm toán nội bộ và quy định về xử phạt vi phạm chính trong lĩnh vưc kế toán và kiểm toán.
Ông Trịnh Đức Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán cho rằng, có nhiều điểm mới trong Luật Kế toán, nên nghị định hướng dẫn chi tiết các nội dung này, chẳng hạn như các vấn đề về kí chứng từ đối với người khiếm thị; thực hiện công tác kế toán tại các văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam, hộ kinh doanh... Đặc biệt, có nhiều nội dung tác động mạnh đến đối tượng hành nghề kế toán, như: tỷ lệ góp vốn của các thành viên là tổ chức, kế toán viên vào công ty hành nghề kế toán; quy định về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với kế toán; nghiệp vụ kế toán xuyên biên giới quy định cụ thể điều kiện đối với các tổ chức, công ty dịch vụ kế toán nước ngoài muốn cung cấp dịch vụ kế toán tại Việt Nam …
Về tổ chức bộ máy kế toán có sự bổ sung thay đối với đối tượng là doanh nghiệp siêu nhỏ (có dưới 10 lao động, quy mô vốn, doanh thu thấp…) không bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng (quy định hiện hành tất cả các doanh nghiệp đều phải có kế toán trưởng).
Việc bổ nhiệm kế toán trưởng, quy định hiện hành là trong vòng 12 tháng, doanh nghiệp phải bổ nhiệm kế toán trưởng. Tại dự thảo nghị định nới dài thời gian quy định từ 12 tháng thành 36 tháng. Một số đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo nghị định là quá dài, chỉ nên quy định thời gian như quy định cũ là 12 tháng, bởi trên thực tế, có những doanh nghiệp hoạt động 2-3 năm là ngừng hoạt mà vẫn chưa có kế toán trưởng.
Về ghi sổ kế toán bằng phương tiện điện tử có điểm mới quy định ràng buộc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cung cấp phần mềm kế toán. Theo đó, các tổ chức, cá nhân này phải chịu trách nhiệm đảm bảo tiêu chuẩn và điều kiện của phần mềm kế toán theo quy định của Bộ Tài chính khi cung cấp cho các đơn vị kế toán.
Về vấn đề lưu trữ tài liệu kế toán, theo quy định tại dự thảo nghị định nếu cơ quan, doanh nghiệp sử dụng phương tiện điện tử ghi sổ kế toán với các thông tin đầy đủ, không bắt buộc phải in ra giấy như quy định hiện hành.
Nguồn: Báo Hải Quan