Các quy định mới về chế độ kế toán cho hộ, cá nhân kinh doanh theo Thông tư 88
Kể từ ngày 01/01/2022, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cần lập chứng từ kế toán và ghi sổ kế toán theo quy định tại Thông tư số 88/2021/TT-BTC. Thông tư này được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong ngành kế toán và đang thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của đông đảo hộ, cá nhân kinh doanh. Vì vậy, hãy cùng phần mềm kế toán 1A tìm hiểm nội dung cụ thể cũng như những điểm mới của thông tư 88 trong bài viết dưới đây nhé.
Thông tư 88/2021/TT-BTC ban hành khi nào?
Thông tư 88/2021/TT-BTC được ký bởi Bộ trưởng Bộ Tài chính và được ban hành vào ngày 11/10/2021. Thông tư này thay thế Quyết định 169/2000/QĐ-BTC ngày 25/10/2000 về ban hành chế độ kế toán hộ kinh doanh; Quyết định số 131/2002/QĐ-BTC ngày 18/10/2002 về sửa đổi, bổ sung chế độ kế toán hộ kinh doanh.
Nội dung cơ bản của thông tư 88 là gì?
Phạm vi điều chỉnh của thông tư 88
Thông tư 88 hướng dẫn chế độ kế toán cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; hướng dẫn việc lập chứng từ kế toán và ghi sổ kế toán của các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Đối tượng áp dụng thông tư 88
Chế độ kế toán theo hướng dẫn tại Thông tư 88/2021 của Bộ Tài chính không áp dụng chung cho tất cả các hộ kinh doanh như quy định theo Quyết định 169/2000/QĐ-BTC. Thay vào đó, đối tượng áp dụng thông tư mới là các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai theo quy định của pháp luật (tức là hộ kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa). Tuy nhiên, Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc diện phải thực hiện chế độ kế toán nhưng có nhu cầu thực hiện chế độ kế toán theo Thông tư này vẫn sẽ được khuyến khích áp dụng.
Hiệu lực thi hành của thông tư 88
Thông tư 88 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022.
Những điểm mới của Thông tư 88 về chế độ kế toán cho hộ, cá nhân kinh doanh
Về việc lựa chọn chế độ kế toán của Hộ kinh doanh
Khoản 2 Điều 3 Thông tư 88 quy định, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được tự do lựa chọn thực hiện kế toán theo Thông tư 88 hoặc chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ sao cho phù hợp với nhu cầu quản lý và với đặc điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
Về việc quyết định người làm kế toán của chủ hộ
Theo Khoản 1 Điều 3, thông tư 88 năm 2021, Bộ Tài chính quy định việc bố trí người làm kế toán của hộ kinh doanh sẽ do người đại diện hộ kinh doanh quyết định. Như vậy, chủ hộ hoàn toàn có thể bố trí người thân trong gia đình như bố, mẹ ruột, bố, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị em ruột làm vị trí kế toán hoặc các vị trí khác như quản lý, điều hành, thủ kho, thủ quỹ, người mua bán tài sản làm kế toán. Điều này khác với quyết định 169/2000/QĐ-BTC khi hộ kinh doanh cần bố trí những người có hiểu biết về kế toán làm nghiệp vụ này. Bên cạnh đó, người làm công tác kế toán cần tực hiện bảo quản, lưu trữ các tài liệu kế toán nhằm phục vụ cho việc xác định nghĩa vụ thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh với ngân sách nhà nước và công tác quản lý hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh của cơ quan thuế.
Cập nhật các mẫu chứng từ kế toán mới của hộ kinh doanh
Nội dung chứng từ kế toán, việc lập, lưu trữ và ký chứng từ kế toán của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được vận dụng theo quy định tại Điều 16, Điều 18, Điều 19 Luật kế toán và hướng dẫn tại phụ lục 1 Thông tư số 88/2021/TT-BTC.
Theo đó, các chứng từ kế toán bao gồm: Phiếu thu; Phiếu chi; Phiếu nhập kho; Phiếu xuất kho; Bảng thanh toán tiền lương, thu nhập của người lao động. Ngoài ra, còn các chứng từ khác theo quy định như: Hóa đơn; Giấy nộp tiền vào NSNN; Giấy báo nợ; Giấy báo có của ngân hàng; Ủy nhiệm chi.
Cập nhật các mẫu sổ kế toán
Mục đích sử dụng, biểu mẫu và phương pháp ghi số kế toán được hướng dẫn tại Phụ lục 2 “Biểu mẫu và phương pháp ghi sổ kế toán” ban hành kèm theo Thông tư 88/2021/TT-BTC. Các sổ sách đó bao gồm:
- Sổ chi tiết doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ
- Sổ chi tiết vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa
- Sổ chi phí sản xuất, kinh doanh
- Sổ theo dõi tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế với NSNN
- Sổ theo dõi tình hình thanh toán tiền lương và các khoản nộp theo lương của người lao động
- Sổ quỹ tiền mặt
- Sổ tiền gửi ngân hàng.
Về doanh thu, chi phí, nghĩa vụ thuế của hộ kinh doanh
Việc xác định doanh thu, chi phí, nghĩa vụ thuế của các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chi tiết theo từng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh được thực hiện theo thông tư 40/2021/TT-BTC, kể từ ngày 01/08/2021.
Xem thêm: Thủ tục thành lập hộ kinh doanh cá thể mới nhất năm 2022
Xem thêm: Cách tính thuế dành cho Hộ kinh doanh cá thể
Phần mềm kế toán 1A ra phiên bản dành cho Hộ kinh doanh đã cập nhật toàn bộ biểu mẫu phiếu, sổ sách, tờ khai mẫu 01/CNKD theo quy định của Thông tư 88. Ngoài ra, phiên bản phần mềm kế toán này còn được áp dụng toàn bộ các tính năng nổi bật dành cho doanh nghiệp như tự động tính giá xuất kho, tự động hạch toán kế toán, xuất tờ khai sang HTKK, … Bạn hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng theo đúng mẫu quy định của hộ kinh doanh nhưng vẫn được hưởng sự tiện lợi như kế toán của một doanh nghiệp. Liên hệ ngay số 028 3848 9975 để được tư vấn bạn nhé!