Thủ tục thành lập hộ kinh doanh cá thể mới nhất năm 2022
Hộ kinh doanh cá thể là loại hình kinh doanh có quy mô nhỏ, đơn giản, dễ quản lý, phù hợp với những cá nhân hoặc hộ gia đình có nhu cầu kinh doanh nhỏ lẻ. Vậy thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cá thể như thế nào? Hồ sơ gồm những gì? Những điều nào cần lưu ý khi thực hiện đăng ký cho hộ kinh doanh. Rất nhiều câu hỏi cho vấn đề này, vậy nên Kế toán 1A chia sẻ ngay đến bạn các thông tin bổ ích trong bài viết sau đây.
Hộ kinh doanh cá thể là gì?
Hộ kinh doanh cá thể là hình thức các hộ kinh doanh đăng ký kinh doanh dưới dạng cá nhân, không phải là một pháp nhân cho nên chỉ được phép sử dụng con dấu vuông chứ không sử dụng con dấu tròn như pháp nhân.
Đối tượng nào nên đăng ký thành lập Hộ kinh doanh cá thể?
Nhiều người khi bắt đầu kinh doanh thường phân vân, lo lắng không biết nên thành lập công ty hay đăng ký hộ kinh doanh cá thể để phù hợp với quy mô hoạt động của bản thân.
Thêm vào đó, những thắc mắc về ưu, nhược điểm của từng loại hình kinh doanh như thế nào? Thường thì những cá nhân, hộ gia đình nên đăng ký hộ kinh doanh cá thể thay vì công ty, doanh nghiệp, với một vài lý do sau:
- Cá nhân không có nhu cầu sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) để tránh sự phiền hà với cơ quan thuế như phải nộp báo cáo quý, báo cáo tài chính cuối năm,…
- Cá nhân, hộ gia đình có mô hình kinh doanh nhỏ lẻ, vốn đầu tư ít.
- Là một cách để hợp thức hóa hình thức kinh doanh của mình và cần có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền khi tiến hành kiểm tra.
Hồ sơ, thủ tục cần chuẩn bị để thành lập hộ kinh doanh cá thể
Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh cá thể
Theo Khoản 2 Điều 87 Nghị định 01/2021 NĐ-CP , hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh cá thể gồm có:
- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh
- Bản sao hợp lệ CMND/CCCD/hộ chiếu của chủ hộ kinh doanh.
- Bản sao hợp đồng thuê nhà, hợp đồng mượn nhà hoặc sổ đỏ đối với trường hợp chủ hộ đứng tên địa chỉ hộ kinh doanh (không cần công chứng).
Trường hợp các thành viên hộ gia đình cùng góp vốn đăng ký hộ kinh doanh, cần thêm các hồ sơ sau:
- Bản sao hợp lệ CMND/CCCD/hộ chiếu của thành viên hộ gia đình.
- Bản sao hợp lệ biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh.
- Bản sao hợp lệ văn bản ủy quyền của các thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh.
Trường hợp ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục thành lập hộ kinh doanh, cần bổ sung thêm các thông tin sau:
- Văn bản ủy quyền cho người thực hiện nộp hồ sơ.
- Bản sao hợp lệ CMND/CCCD của người nộp hồ sơ (nếu có).
Nộp hồ sơ đăng ký hộ cá nhân kinh doanh cá thể
Bạn có thể nộp hồ sơ theo 2 cách
- Cách 1: Nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng tài chính – kế hoạch/ Phòng kinh tế của UBND quận/ huyện nơi thành lập hộ kinh doanh.
- Cách 2: Nộp hồ sơ điện tử tại các trang dịch vụ công của Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh/ thành phố.
Lưu ý, mỗi tỉnh/ thành phố sẽ có một trang quản lý riêng.
- Với TPHCM, trang dịch vụ công theo địa chỉ https://dvc.hochiminhcity.gov.vn
- Hà Nội: truy cập trang điện tử của Sở kế hoạch và Đầu tư Hà Nội theo địa chỉ: http://123.25.28.178/dkkdqh/
Chi tiết các bước tiến hành nộp hồ sơ điện tử:
- Chọn mục ĐĂNG KÝ trên trang và điền đầy đủ thông tin tài khoản và thông tin cá nhân để được cấp tài khoản phục vụ cho việc đăng ký Hộ kinh doanh online.
- Tiếp tục chọn mục ĐĂNG NHẬP và đăng nhập bằng tài khoản vừa tạo.
- Sau khi đăng nhập thành công, bấm vào NỘP HỒ SƠ TRỰC TUYẾN, chọn THỦ TỤC ĐĂNG KÝ THÀNH LẬP HỘ KINH DOANH, sau đó thực hiện kê khai các thông tin của hộ kinh doanh theo mẫu.
- Thực hiện đính kèm file hồ sơ đã scan như ở trên hướng dẫn và bấm NỘP HỒ SƠ.
Nhận thông báo trả kết quả hồ sơ
Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, UBND cấp quận/ huyện sẽ tiến hành kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và trả kết quả:
- Hồ sơ hợp lệ: UBND cấp quận/ huyện cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
- Hồ sơ chưa hợp lệ: UBND cấp quận/ huyện ra thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do, nguyên nhân bị từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Hộ kinh doanh sẽ thực hiện sửa đổi, bổ sung hồ sơ và nộp lại.
Những điều cần lưu ý khi làm thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cá thể
- Đối tượng được quyền đăng ký hộ kinh doanh có thể là cá nhân hay hộ gia đình, và quy định là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự thì có quyền đứng tên trên giấy phép hộ kinh doanh.
- Một người chỉ đứng tên duy nhất cho một hộ kinh doanh xét trên phạm vi cả nước. Nếu người này đã có hộ kinh doanh, dù không kinh doanh rất lâu nhưng hộ kinh doanh vẫn chưa tiến hành giải thể thì không thể đứng tên trên hộ kinh doanh mới này.
- Khi đặt tên hộ kinh doanh cần phải đảm bảo có 2 thành tố “Hộ kinh doanh + Tên riêng của chủ hộ kinh doanh”. Không được sử dụng tên tiếng anh để đặt tên cho hộ kinh doanh.
- Một hộ kinh doanh cá thể chỉ được đặt tại một địa điểm duy nhất trên phạm vi toàn quốc và không lập chi nhánh, văn phòng đại diện như thành lập công ty. Địa chỉ đăng ký Hộ kinh doanh không được là chung cư.
- Vốn điều lệ đăng ký kinh doanh hộ cá thể: Hiện nay luật không quy định số vốn tối thiểu hay tối đa đối với hộ kinh doanh. Vì vậy, đăng ký số vốn bao nhiêu tùy thuộc vào khả năng của mỗi người. Cơ quan thuế sẽ dựa vào vốn điều lệ của hộ kinh doanh sẽ áp dụng mức thuế khoán hằng tháng cho hộ kinh doanh.
- Số lượng tối đa của hộ kinh doanh cá thể được phép sử dụng là 9 lao động.
- Ngành nghề đăng ký kinh doanh thì hộ kinh doanh cần thực hiện đăng ký nhóm ngành nghề theo quy định.
Bài viết thật sự mang đến cho bạn những thông tin hữu ích khi bạn đã xác định con đường kinh doanh phía trước do chính bản thân mình làm chủ. Hãy để Kế toán 1A đồng hành cùng bạn khi vừa ra mắt phiên bản phần mềm kế toán dành cho Hộ cá nhân kinh doanh theo Thông tư 88/ 2021/TT- BTC. Liên hệ ngay với chúng tôi khi bạn cần nhé!