Các bước cơ bản để lựa chọn phần mềm kế toán sản xuất phù hợp cho Doanh nghiệp.
Ngày 18/12/2019
Hòa vào xu hướng ứng dụng Công nghệ 4.0 vào quản lý doanh nghiệp, trên thị trường hiện nay đang có rất nhiều các đơn vị chuyên thiết kế và cung cấp phần mềm kế toán sản xuất nhằm đáp ứng cho các nhu cầu quản lý, quản trị đặc thù của doanh nghiệp sản xuất. Doanh nghiệp của Bạn đang có dự định sử dụng một phần mềm kế toán sản xuất nào đó, hãy tham khảo thêm những nội dung sau nhé!
A. Cần hiểu rõ về nghiệp vụ kế toán tại doanh nghiệp sản xuất.
Trước khi tìm hiểu về những kiến thức của phần mềm kế toán dành cho doanh nghiệp sản xuất, chúng ta cần phải nắm vững được những nghiệp vụ cơ bản của ngành đặc thù này trước.
Như chúng ta đã biết quá trình sản xuất là quá trình kết hợp giữa sức lao động, tư liệu lao động và đối tượng lao động nhằm tạo ra sản phẩm. Trong quá trình kết hợp này sẽ phát sinh các nghiệp vụ kinh tế như: chi phí nguyên vật liệu, chi phí hao mòn tài sản cố định, chi phí tiền lương công nhân sản xuất và các chi phí khác về tổ chức quản lý sản xuất để tạo ra sản phẩm theo kế hoạch.
Do vậy, kế toán quá trình sản xuất là việc tập hợp những chi phí phát sinh trong suốt quá trình sản xuất của xí nghiệp theo tính chất kinh tế, theo công dụng và nơi sử dụng chi phí, tổng hợp lại một cách trực tiếp hoặc gián tiếp vào tài khoản chi phí sản xuất, từ đó tính ra giá thành thực tế của sản phẩm hoàn thành là bao nhiêu?
Một số công việc mà một kế toán cần làm để theo dõi toàn bộ diễn biến của quá trình sản xuất tại doanh nghiệp:
- Kế toán sản xuất cần tập hợp và phân bổ chính xác, kịp thời các loại chi phí sản xuất theo từng đối tượng hạch toán chi phí và đối tượng tính giá thành. Từ đó, kiểm tra tình hình thực hiện các định mức và dự toán chi phí sản xuất nhằm có những đánh giá sát nhất về tình hình sản xuất.
- Kế toán sản xuất cần tính toán chính xác giá thành sản xuất (hay còn gọi là giá thành công xưởng) của sản phẩm dịch vụ hoàn thành. Cùng với đó, phản ánh lượng sản phẩm, dịch vụ hoàn thành, nhập kho hay tiêu thụ (yêu cầu cần chi tiết từng hoạt động, từng mặt hàng).
- Cung cấp các tài liệu cần thiết cho các bộ phận có liên quan để thực hiện tốt các công việc của các phòng ban khác.
B. Tìm hiểu tính năng, khả năng mở rộng phần mềm kế toán sản xuất của các đơn vị cung cấp.
Trước hết cần phải nhận thức rõ ràng rằng: các doanh nghiệp sản xuất có các nghiệp vụ rất phức tạp, mỗi doanh nghiệp có một đặc thù riêng, có cách tập hợp và tính giá thành không hề giống nhau. Do vậy cần phải cân nhắc kỹ trong việc lựa chọn một phần mềm kế toán sản xuất và cần dự trù một khoản ngân sách đáng kể cho việc hiệu chỉnh và mở rộng một số tính năng của phần mềm nhằm đáp ứng cho đặc thù quản lý tại doanh nghiệp.
Hiện tại trên thị trường, phần mềm kế toán dành cho doanh nghiệp sản xuất rất đa dạng về tính năng, về hình thức sử dụng (offline hoặc online), về phương thức thanh toán (mua bản quyền 1 lần hoặc trả phí thuê bao sử dụng), ..nhưng nhìn chung vẫn cần có những tính năng cơ bản và quan trọng sau:
- Hỗ trợ khai báo định mức nguyên vật liệu, nhân công sản xuất, từ đó người dùng có thể xuất tự động nguyên vật liệu theo định mức.
- Hỗ trợ tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành theo nhiều hình thức: giá thành giản đơn (trực tiếp), giá thành theo Hệ số, giá thành theo Tỷ lệ (định mức), giá thành theo đơn đặt hàng, giá thành phân bước (qui trình sản xuất trải qua nhiều công đoạn), …
- Hỗ trợ phân bổ chi phí sản xuất theo nhiều tùy chọn: theo CP nguyên vật liệu, CP nhân công, theo Hệ số, …
- Hỗ trợ đánh giá sản phẩm dỡ dang theo nhiều phương pháp: theo CP nguyên vật liệu trực tiếp, theo khối lượng sản phẩm hoàn thành, theo định mức, …
- Tự động cập nhật đơn giá đến từng sản phẩm cho những chứng từ nhập kho trước đó, tự động cập nhật giá xuất kho cho các thành phẩm trong kỳ.
- Cung cấp đầy đủ các báo cáo giá thành theo đúng quy định của Tổng Cục Thuế: Thẻ tính giá thành sản phẩm / dịch vụ, Sổ chi phí sản xuất kinh doanh, …
Ngoài ra, tùy thuộc vào nhu cầu theo thời điểm và ngân sách dự trù cho phần mềm mà mỗi doanh nghiệp sẽ lựa chọn cho mình một nhà cung cấp phù hợp. Cần lưu ý thêm là khi lựa chọn phần mềm kế toán dành cho doanh nghiệp sản xuất bạn cần chọn những nhà cung cấp uy tín, có kinh nghiệm triển khai thực tế cho nhiều doanh nghiệp cùng ngành và quan trọng là khả năng mở rộng của phần mềm đối với nhu cầu của doanh nghiệp trong tương lai.
VC.Trường