Phân biệt giữa kế toán và kiểm toán
Ngày 05/03/2020
Kế toán và kiểm toán là hai ngành nghề thường được gắn liền và đi đôi với nhau. Trong các trung tâm dạy nghề hoặc trong các giảng đường đại học, hai ngành này cũng thường được đào tạo các môn học giống nhau. Vì vậy, có rất nhiều người vẫn còn nhầm lẫn giữa hai khái niệm kế toán và kiểm toán. Trên thực tế, hai ngành này có rất nhiều điểm khác biệt. Hãy cùng phần mềm Kế toán 1A tìm hiểu các điểm khác biệt đó nhé.
Định nghĩa kế toán và kiểm toán
Kế toán: là vị trí công việc đảm nhận nhiệm vụ thu thập và ghi chép lại toàn bộ các giao dịch tài chính, các khoản thu chi của doanh nghiệp, sau đó sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý, phân tích và lập các báo cáo sổ sách dựa trên các thông tin giao dịch đó.
Kiểm toán: là công việc kiểm tra lại sổ sách kế toán xem có chính xác và đúng pháp luật hay không dựa vào các tài liệu và bằng chứng có liên quan, bên cạnh đó là xác nhận tính hợp lý của lợi nhuận, phân tích tình hình tài chính, xem xét tính khách quan tài chính, ... của đơn vị kinh doanh.
Sự khác biệt giữa kế toán và kiểm toán
1. Thời điểm làm việc
Công việc của nhân viên kế toán bắt đầu khi các giao dịch tài chính của doanh nghiệp diễn ra. Còn các kiểm toán viên bắt đầu khi công việc của nhân viên kế toán kết thúc. Kế toán là một quá trình được thực hiện hàng ngày, trong khi kiểm toán thường được thực hiện hàng năm hoặc hàng quý. Cũng chính vì vậy, sổ sách, tài liệu các giao dịch tài chính sẽ do kế toán viên phụ trách thực hiện và giữ, còn kiểm toán viên sẽ kiểm tra những sổ sách và tài liệu đó. Ngoài ra, thời gian làm việc của ngành kế toán vào những ngày thường khi chưa đến mùa báo cáo đều khá ổn định nhưng sẽ cực kỳ áp lực vào các thời kỳ tổng kết cuối tháng, cuối quý hay cuối năm tài chính để chốt sổ.
2. Môi trường làm việc
Công việc kế toán được thực hiện bởi các nhân viên của công ty, trong khi kiểm toán thông thường sẽ được thực hiện bởi một cơ quan độc lập không có quan hệ tài chính với công ty. Nhân viên kế toán chủ yếu thường làm việc cho các doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau (tư nhân, nhà nước, FDI) và nhận lương từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó. Còn nếu là một kiểm toán viên – bạn có thể làm việc cho cơ quan kiểm toán nhà nước; hoặc làm kiểm toán độc lập cho các công ty kinh doanh dịch vụ, tư vấn về kiểm toán. Kiểm toán viên là một chủ thể độc lập, chỉ làm việc trong thời gian nhất định do được thuê và nhận tiền lương từ công việc kiểm toán đó. Đặc biệt, mức lương của nghề kiểm toán cũng hấp dẫn và có nhiều cơ hội lớn hơn so với nghề kế toán.
3. Đối tượng làm việc
Đối với kế toán, đối tượng làm việc là tài sản và sự vận động của tài sản trong quá trình hoạt động, kinh doanh của doanh nghiệp. Còn kiểm toán sẽ thực hiện công việc của mình dựa trên một số đối tượng như: tài liệu kế toán, thực trạng hoạt động tài chính, thực trạng tài sản, nghiệp vụ tài chính, …
4. Cơ sở pháp lý
Nhân viên kế toán khi làm việc sẽ phải tuân thủ theo các nguyên tắc kế toán, chuẩn mực kế toán và Luật kế toán của Việt Nam. Kiểm toán viên sẽ dựa vào 3 nhóm chuẩn mực kiểm toán được chấp nhận phổ biến (GAAS) gồm: nhóm chuẩn mực chung, nhóm chuẩn mực thực hành, nhóm chuẩn mực báo cáo.
5. Phương pháp làm việc
Trong công việc của mình, nhân viên kế toán thường áp dụng một số phương pháp để ghi nhận nghiệp vụ như: các loại chứng từ kế toán, hệ thống tài khoản kế toán, tính giá vốn, tổng hợp và cân đối kế toán, … Còn với kiểm toán viên thường sẽ áp dụng 2 phương pháp là kiểm toán chứng từ và kiểm toán ngoài chứng từ trong quá trình làm việc.
6. Tính chất công việc
Ưu điểm của ngành kế toán là các bạn kế toán sẽ được đào tạo, làm việc từ chi tiết nên sẽ hiểu rõ và nắm được cách định khoản nghiệp vụ, lập tờ khai thuế, cách làm việc với các cơ quan thuế,... Còn với ngành kiểm toán thì các bạn sẽ phải học hỏi nhiều hơn, cần có nhiều kỹ năng và kiến thức chuyên sâu cùng với một số chứng chỉ quốc tế đi kèm. Nhưng cũng vì vậy mà kiểm toán viên sẽ có một cái nhìn tổng quát hơn về các hoạt động của doanh nghiệp và có kiến thức về nhiều ngành nghề hơn kế toán viên.
Trên đây là một số khác biệt giữa hai ngành kế toán và kiểm toán. Nhưng dù là kế toán viên hay kiểm toán viên, bạn đều cần phải có kiến thức toàn diện về các thủ tục, thông tư và quy định kế toán. Bên cạnh đó, cả hoạt động kế toán và kiểm toán đều nhằm mục đích đảm bảo hồ sơ báo cáo của công ty được trình bày trung thực, hợp lý và phản ánh chính xác vị trí tài chính của công ty. Vì thế, nếu doanh nghiệp của bạn sử dụng phần mềm kế toán thì bên cạnh những lợi ích thiết thực đối với kế toán như nhập chứng từ nhanh hơn, kiểm soát lỗi hạch toán, tính giá tự động, … phần mềm còn sẽ đem lại lợi ích trong quá trình kiểm toán như báo cáo tài chính đã được trình bày rõ ràng và minh bạch, dễ dàng kiểm tra lịch sử thay đổi nghiệp vụ ghi nhận chứng từ, …
Phần mềm kế toán 1A rất gọn nhẹ và khá đơn giản nhưng luôn được nâng cấp cải thiện và cập nhật những quy định mới của thuế, đáp ứng được đầy đủ quy trình nghiệp vụ của công ty. Hãy tham khảo và sử dụng ngay tại đây nhé!
NTB.Liên