Xây dựng chính sách triển khai Luật Kế toán
Ngày 13/04/2016
Thông tin tại Hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán, Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán- Bộ Tài chính Trịnh Đức Vinh cho biết, Luật Kế toán (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ năm 2017, trong đó có nhiều quy định mới liên quan đến công tác kế toán, tổ chức bộ máy kế toán, kinh doanh dịch vụ kế toán, cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới…
Tài liệu kế toán được lưu trữ điện tử
Theo ông Trịnh Đức Vinh, tới đây bên cạnh các chứng từ kế toán và sổ kế toán của các đơn vị trước khi đưa vào lưu trữ phải được in ra giấy để lưu trữ thì các đơn vị được lựa chọn lưu trữ trên phương tiện điện tử. Tuy nhiên, việc lưu trữ trên phương tiện điện tử phải bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin dữ liệu và đảm bảo tra cứu được trong thời hạn lưu trữ. Riêng các đơn vị thu, chi NSNN các cấp, đơn vị sử dụng NSNN nếu lựa chọn lưu trữ chứng từ và sổ kế toán trên phương tiện điện tử thì vẫn phải in sổ kế toán tổng hợp ra giấy để lưu trữ theo quy định.
Bộ Tài chính đề xuất, đối lĩnh vực kế toán nhà nước thì tài liệu kế toán phải lưu trữ vĩnh viễn gồm: Báo cáo tổng quyết toán NSNN năm đã được Quốc hội phê chuẩn; Hồ sơ, báo cáo quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản; Tài liệu kế toán có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, an ninh, quốc phòng.
Đối với các hoạt động kinh doanh, tài liệu kế toán phải lưu trữ vĩnh viễn gồm các tài liệu có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, an ninh, quốc phòng… Ngoài ra, các chứng từ kế toán sử dụng trực tiếp để ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính, các bảng kê; Tài liệu kế toán liên quan đến thanh lý, nhượng bán tài sản cố định; Tài liệu kế toán liên quan đến thành lập, chia tách, hợp nhất, sáp nhập và chuyển đổi loại hình DN… thì thời gian lưu trữ là 10 năm.
Theo đánh giá của các đại biểu tham dự Hội thảo, đây là quy định khá rõ ràng nhằm tạo thuận lợi cho các đơn vị hành chính Nhà nước và cả khối DN.
Khuyến khích hộ kinh doanh vận dụng kế toán DN
Theo lãnh đạo Vụ Chế độ kế toán và Kiểm toán, quy định của Luật Kế toán (sửa đổi) đã khuyến khích văn phòng đại diện của DN nước ngoài hoạt động tại Việt Nam và hộ kinh doanh, tổ hợp tác được vận dụng chế độ kế toán DN để mở sổ kế toán theo dõi, xác định nghĩa vụ thuế đối với NSNN.
Bên cạnh đó, kể từ năm 2017 có nhiều quy định mới, lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam như: Tiêu chuẩn kế toán trong các đơn vị Nhà nước phải có chuyên môn nghiệp vụ về kế toán từ trình độ Đại học trở lên. Ngoài ra, đối với kế toán trưởng, phụ trách kế toán của công ty mẹ là DN Nhà nước phải có thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất 5 năm. Đối với các DN siêu nhỏ theo quy định pháp luật được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng.
Đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho kế toán viên hành nghề của tổ chức mình. Thời hạn mua bảo hiểm trách nhiệm của kế toán viên hành nghề chậm nhất trong 60 ngày kể từ ngày kế toán viên hành nghề được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán tại đơn vị. Phạm vi bảo hiểm bao gồm thiệt hại về vật chất của người tham gia ký kết hợp đồng, giao dịch hoặc của cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch đã được kế toán viên hành nghề cung cấp dịch vụ mà những thiệt hại gây ra do lỗi của kế toán viên hành nghề trong thời gian bảo hiểm.
Tuy nhiên, góp ý với Ban soạn thảo, đại biểu đến từ Công ty Kế toán, kiểm toán băn khoăn bởi thực tế hiện nay ở Việt Nam chưa có DN kinh doanh bảo hiểm nào cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho kế toán viên. Nên chăng chúng ta xây dựng Quỹ dự phòng do các kế toán viên hành nghề đóng góp.
Nguồn: Báo Hải Quan