Phạt nặng khi làm mất hoá đơn lưu trữ, chữ ký không thống nhất
Bộ Tài chính đã công bố dự thảo nghị định xử phạt trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Đây là nghị định sẽ thay thế Nghị định 105/2013 hiện hành. Đặc biệt, nhiều mức phạt được quy định tại nghị định này cao gấp 10 lần hiện nay.
Lỡ mất hóa đơn, phạt tới 10 triệu đồng
Chị Kim Thanh, kế toán của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hóa chất P.E Vina, cho biết rất sợ mất hóa đơn. Công ty có nhiều nhân viên kinh doanh có thể cầm hóa đơn mua hàng mang về hoặc mang hóa đơn giao cho bên mua hàng. Đã từng xảy ra nhiều trường hợp làm mất hóa đơn. Mỗi khi mất thì xử lý rất lằng nhằng. Đặc biệt là bị phạt rất nặng.
Chị chia sẻ dân kế toán làm mất hóa đơn thường sẽ không báo mất với cơ quan thuế ngay. Nếu báo mất hóa đơn trước thời gian lưu trữ hóa đơn thì bị phạt 4-8 triệu đồng, căn cứ theo Nghị định 49/2016 xử phạt về quản lý giá, hóa đơn… Để lách, doanh nghiệp (DN) sẽ chờ đến khi hóa đơn đó đi vào giai đoạn lưu trữ thì mới báo mất và lúc này chỉ bị phạt 0,5-1 triệu đồng mà thôi (căn cứ Nghị định 105/2013 xử phạt trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán).
Như vậy, có một thực tế bất hợp lý là DN mất hóa đơn càng báo sớm, báo đúng lúc thì càng bị phạt nặng. Bộ Tài chính cũng biết kẽ hở này. Thế nên trong dự thảo thay thế Nghị định 105/2013, Bộ đã nâng mức phạt lên gấp 10 lần hiện hành, đến 10 triệu đồng. Như vậy, nếu DN báo mất hóa đơn trễ thì mức phạt sẽ nặng hơn. Cụ thể, theo dự thảo, “bảo quản tài liệu kế toán không an toàn, để hư hỏng, mất mát tài liệu trong thời hạn lưu trữ” sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng.
Ký tên cũng… run
DN cũng cần lưu ý đặc biệt về chữ ký. Theo dự thảo của Bộ Tài chính, các hành vi như ký chứng từ bằng mực màu đỏ; ký bằng mực phai màu; ký chứng từ bằng đóng dấu chữ ký khắc sẵn; chứng từ chi tiền không ký theo từng liên… đều bị phạt 3-5 triệu đồng. Đây là các quy định mới, hiện không có trong Nghị định 105/2013/NĐ-CP.
Ngoài ra, sao chụp tài liệu kế toán không đúng theo quy định của pháp luật cũng bị phạt đến 5 triệu đồng. DN còn phải thành lập hội đồng và lập “biên bản để xác định các tài liệu kế toán không thể sao chụp được” theo quy định. Nếu không lập, DN sẽ bị phạt.
Đặc biệt, những người ký tên trên hóa đơn, chứng từ cần hết sức lưu ý về chữ ký. Theo dự thảo, “chữ ký của một người không thống nhất hoặc không đúng với sổ đăng ký mẫu chữ ký” sẽ bị phạt đến 10 triệu đồng.
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, cho rằng chữ ký của một người không thể lúc nào cũng giống nhau như đúc. Lúc dài, lúc ngắn, lúc to, lúc nhỏ… Tuy nhiên, DN lưu ý chữ ký phải thống nhất. Ví dụ, tên Trang mà ký chữ “trang” thì luôn ký đủ chữ, không ký tắt thành “tr”, sẽ vi phạm vì ký không thống nhất.
Không lập báo cáo tài chính, phạt gấp ba lần
• DN không lập báo cáo tài chính theo quy định sẽ bị phạt 20-30 triệu đồng, gấp ba lần mức phạt hiện hành.
• Thông tin, số liệu công khai báo cáo tài chính sai sự thật; lập báo cáo tài chính không đúng với số liệu trên sổ kế toán và chứng từ kế toán… bị phạt 20-30 triệu đồng.
• Công khai báo cáo tài chính chậm trên ba tháng được giảm mức phạt, còn 10-20 triệu đồng thay vì 20-30 triệu đồng như hiện hành.
Nguồn: Báo Pháp Luật TP.HCM