Sắp bắt buộc sử dụng Hoá đơn điện tử
Ngày 01/02/2018
Dự thảo Nghị định về hoá đơn (sửa đổi) đã được Bộ Tài Chính trình lên Chính phủ, trong đó có nội dung đề nghị áp dụng bắt buộc Hoá đơn điện tử đối với Doanh nghiệp. Dự thảo này dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 01/07/2018.
Gần 3.000 doanh nghiệp đã thực hiện
Theo Tổng cục Thuế, hiện nay cơ bản các tỉnh, thành trên cả nước đều đã có doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử, tuy nhiên tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM và các doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, có hạ tầng công nghệ thông tin phát triển (như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA), Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn Hà Nội...). Việc áp dụng hóa đơn điện tử tại các doanh nghiệp trên được đánh giá mang lại kết quả tốt, khách hàng chấp thuận, có hiệu quả thiết thực về thời gian và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Qua đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý kinh doanh, hạch toán kế toán nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chất lượng dịch vụ và tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Theo báo cáo, tính đến hết năm 2017 trên cả nước đã có 2.939 doanh nghiệp (trên tổng số 560.000 doanh nghiệp) đang sử dụng hóa đơn điện tử và hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế. Tổng số lượng hóa đơn điện tử đã sử dụng là hơn 1,6 tỷ hóa đơn.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho rằng, hiện nay xu hướng phát triển công nghệ thông tin và hệ thống hạ tầng thông tin ngày càng hoàn thiện tạo thuận lợi cho phát triển hóa đơn điện tử. Các giao dịch mua bán hàng hóa dịch vụ, giao dịch thanh toán bằng hình thức điện tử ngày càng phát triển thúc đẩy nhu cầu sử dụng hóa đơn điện tử.
“Đối với cơ quan Thuế, sử dụng hóa đơn điện tử giúp ngành Thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn. Cơ quan Thuế không phải đối chiếu hóa đơn, kịp thời ngăn chặn hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích, khắc phục tình trạng làm giả hóa đơn, gian lận sử dụng bất hợp pháp hóa đơn - lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên”, ông Nguyễn Văn Phụng thông tin.
Bên cạnh đó, việc sử dụng hóa đơn điện tử cũng góp phần giảm thời gian, chi phí về hóa đơn cho doanh nghiệp, vừa góp phần hạn chế các hành vi gian lận về hóa đơn, vừa giảm thời gian làm thủ tục hành chính về hóa đơn. Ông Hoàng Bảo Ngọc, đại diện Công ty Giải pháp phần mềm CMC Soft khẳng định, những lợi ích mà hóa đơn điện tử mang lại cho doanh nghiệp đã giúp khắc phục những nhược điểm của hóa đơn giấy. “Đó là việc giảm chi phí in ấn, gửi, bảo quản, lưu trữ hóa đơn. Từ đó giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Hóa đơn điện tử cũng giúp cho việc hạch toán kế toán, đối chiếu dữ liệu, kê khai, nộp thuế (thông tin trên hóa đơn điện tử) được chuyển thẳng về hệ thống kế toán và hệ thống thanh toán của doanh nghiệp mua bán hàng hóa, dịch vụ. Việc này giúp hiện đại hóa công tác kế toán, tăng năng lực quản trị của doanh nghiệp”, ông Hoàng Bảo Ngọc chia sẻ.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, hóa đơn điện tử hoàn toàn phù hợp với xu hướng giao dịch điện tử ngày càng phát triển với các hình thức giao dịch đang khá phổ biến ở Việt Nam cũng như trên thế giới như: Mobile Banking, Internet Banking, SMS Banking…
Sớm có quy định pháp lý
Khó khăn trong việc triển khai hóa đơn điện tử chính là hiểu biết về hóa đơn điện tử của các doanh nghiệp và người dân vẫn còn hạn chế. Các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra hàng hóa chưa sẵn sàng và không ít công chức của các cơ quan này cũng chưa mặn mà với hóa đơn điện tử. Hơn nữa, sự chấp nhận hóa đơn điện tử của khách hàng còn hạn chế do tâm lý, thói quen lâu nay khi thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ là phải nhận được hóa đơn giấy để chứng minh giao dịch.
Hiện nay quy định về việc áp dụng hóa đơn điện tử trong giao dịch kinh tế chưa được quy định cụ thể tại Luật Kế toán và pháp luật hiện hành về quản lý thuế, về thuế Giá trị gia tăng. Tổng cục Thuế cho rằng, để phù hợp với quy định của pháp luật kế toán, giúp tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và để phát triển thương mại điện tử thì việc ban hành quy định yêu cầu sử dụng hóa đơn, chứng từ điện tử thay thế hóa đơn giấy đang áp dụng là phù hợp.
Hiện Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về hoá đơn (sửa đổi), thay thế cho Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/1/2014 của Chính phủ, dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2018.
“Dự thảo có nhiều nội dung mới tạo thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn chân chính, góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh. Nội dung chủ yếu của dự thảo là hóa đơn điện tử sẽ được áp dụng bắt buộc đối với doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan nhà nước, kể cả cơ quan có chức năng kiểm tra, quản lý thị trường. Doanh nghiệp chỉ được sử dụng hóa đơn điện tử mà không được chọn sử dụng 2 loại hóa đơn giấy như trước đây. Một số trường hợp đặc thù không thể sử dụng hóa đơn điện tử thì cơ quan Thuế đặt in hóa đơn để cấp hoặc bán cho doanh nghiệp sử dụng”, ông Nguyễn Văn Phụng thông tin.
Nguồn: Báo Hải Quan