Cách xử lý các trường hợp sai sót về hóa đơn điện tử
Ngày 19/08/2019
Tại dự thảo thông tư hướng dẫn chi tiết Nghị định 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử có nhiều quy định cụ thể về xử lý các trường hợp sai sót với hóa đơn điện tử có mã xác thực và hóa đơn không có mã xác thực của cơ quan thuế.
Dự thảo thông tư quy định, trường hợp hóa đơn điện tử chưa gửi cho người mua có sai sót thì người bán lập hóa đơn điện tử mới giao cho người mua. Còn tại trường hợp hóa đơn điện tử đã gửi cho người mua phát hiện có sai sót về tên, địa chỉ nhưng không sai mã số thuế, các nội dung khác không sai sót thì không phải lập hóa đơn điện tử thay thế.
Riêng với trường hợp hóa đơn điện tử đã gửi có sai về mã số thuế, về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế, hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng thì các bên lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót và người bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử đã lập.
Dự thảo thông tư cũng quy định, nếu cơ quan thuế phát hiện hóa đơn điện tử đã được cấp mã có sai sót hoặc phát hiện hóa đơn điện tử không mã đã lập có sai sót sau khi gửi cơ quan thuế thì cơ quan thuế thông báo cho người bán để người bán kiểm tra sai sót và lập lại hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn điện tử đã lập có sai sót (nếu cần thay thế).
Theo dự thảo thông tư, một số trường hợp khác sẽ thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính.
Dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 119 cũng quy định về thời điểm lập hóa đơn điện tử. Theo đó, thời điểm lập hóa đơn điện tử xác định theo thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng đối với bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ tương tự như thời điểm lập hóa đơn đã quy định tại Thông tư số 39/2014/TT-BTC.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng sẽ có hướng dẫn thêm thời điểm lập hóa đơn đối với các trường hợp tổ chức kinh doanh mua dịch vụ vận tải hàng không xuất qua website và hệ thống thương mại điện tử được lập theo thông lệ quốc tế.
Nguồn: Báo Hải Quan