Sửa Luật Quản lý thuế: Thay đổi quy định về khai thuế, nộp thuế
Ngày 06/11/2018
Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) thay đổi những quy định liên quan đến khai thuế, nộp thuế nhằm cải cách thủ tục hành chính thuế như thay đổi thời gian khai và quyết toán thuế, cho phép khai thuế bổ sung sau khi nhận được quyết định thanh tra,..
Thay đổi thời gian khai, quyết toán thuế
Một trong những điểm mới nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế là dự thảo Luật đã sửa đổi quy định về thời hạn khai quyết toán thuế Thu nhập cá nhân.
Ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, theo quy định hiện hành, cá nhân có duy nhất một nguồn thu nhập thì thực hiện khấu trừ tại nguồn và uỷ quyền quyết toán qua tổ chức chi trả. Đối với cá nhân có từ 2 nguồn thu nhập trở lên thì phải trực tiếp quyết toán với cơ quan Thuế nếu có số thuế phải nộp thêm hoặc số thuế nộp thừa có đề nghị hoàn.
"Qua quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều bất cập trong việc khai quyết toán thuế Thu nhập cá nhân đối với người nộp thuế về thời gian và di chuyển đến cơ quan Thuế. Do vậy, để cải cách việc quyết toán thuế Thu nhập cá nhân theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ người nộp thuế tổng hợp thu nhập trong năm trước khi thực hiện quyết toán thuế, giảm thiểu rủi ro trong hoàn thuế Thu nhập cá nhân, dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi đã thay đổi thời hạn quyết toán thuế đối với cá nhân là 120 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch. Như vậy đã kéo dài thêm 1 tháng so với thời hạn quyết toán của doanh nghiệp", ông Cao Anh Tuấn nói.
Với sự thay đổi này, nhiều đại lý thuế cho rằng việc tăng thời hạn quyết toán thuế từ 90 ngày lên 120 ngày sẽ giúp người nộp thuế có thêm thời gian chuẩn bị tài liệu và thu thập chứng từ phục vụ cho quyết toán. Bên cạnh đó, thời hạn quyết toán thuế Thu nhập cá nhân không trùng với với thời hạn quyết toán thuế Thu nhập doanh nghiệp và báo cáo tài chính sẽ làm giảm tải công việc của kế toán tại cùng một thời điểm, giúp cho người nộp thuế có thời gian kiểm tra kỹ và tránh được những sai sót xảy ra.
Được khai bổ sung sau khi có quyết định thanh tra
Điểm đáng chú ý nữa trong dự thảo Luật là sửa đổi, bổ sung quy định người nộp thuế được khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi cơ quan Thuế, cơ quan có thẩm quyền đã công bố kết luận thanh tra thuế, kiểm tra thuế và quyết định xử lý về thuế. Theo đó, việc xử lý số thuế khai bổ sung căn cứ theo chế độ quy định như đối với trường hợp cơ quan Thuế, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra phát hiện. Trong trường hợp khai bổ sung làm tăng số thuế phải nộp, giảm số thuế đã được hoàn, giảm số thuế được miễn, giảm thuế, người nộp thuế có trách nhiệm nộp đủ số thuế còn thiếu, tiền chậm nộp. Theo Tổng cục Thuế, đối với trường hợp này, người nộp thuế không bị xử phạt về hành vi khai sai, nhưng phải nộp bổ sung 10% trên số tiền thuế khai thiếu (theo khoản 2, Điều 48).
Cũng liên quan đến nội dung này, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có thêm quy định thời hạn nộp tiền thuế khai bổ sung là thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót. Đồng thời, bổ sung quy định nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp tạm nộp theo quý, chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu quý sau (khoản 1, Điều 56). Quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế khi thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.
Đồng thời, đối với cơ quan Hải quan, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đề xuất bổ sung nội dung trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau thông quan phát sinh số thuế phải nộp tăng thêm hoặc cơ quan Hải quan ấn định thuế sau thông quan, thì thời hạn nộp tiền thuế khai bổ sung, nộp tiền thuế ấn định được áp dụng theo thời hạn nộp thuế của tờ khai ban đầu. Theo Tổng cục Thuế, nội dung này nhằm đảm bảo công bằng, nâng cao tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và để có cơ sở pháp lý thực hiện từ Luật.
Theo đánh giá của Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật Interco, những quy định mới về khai thuế, quyết toán thuế tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã tạo điều kiện thuận lợi, tăng quyền cho người nộp thuế. Những thay đổi này cũng gỡ được một số vướng mắc về mặt pháp lý trên thực tế.
Ông Phong lấy ví dụ, đơn cử như việc bổ sung quy định người nộp thuế được khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi cơ quan Thuế, cơ quan có thẩm quyền đã công bố kết luận thanh tra, kiểm tra thuế. Việc này góp phần hạn chế được tình trạng người nộp thuế bị oan, sai hoặc chịu thiệt thòi do lỗi của cán bộ quản lý thuế hoặc do các nguyên nhân khách quan.
"Đây là những quy định thiết thực và có ý nghĩa thể hiện quyết tâm của ngành Thuế. Những sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng quyền cho người nộp thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế còn góp phần tạo dựng niềm tin từ phía đối tượng người nộp thuế, mang lại những giá trị khích lệ, động viên vô cùng lớn. Từ đó người nộp thuế cũng nâng cao tính tự giác chấp hành quy định pháp luật về thuế"- ông Phong nhấn mạnh.