Sẵn sàng cho các dòng thuế 0% trong năm 2018
Ngày 11/01/2018
2018 được đánh giá là năm có nhiều dòng thuế cắt giảm về 0% theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Vậy, Bộ Tài chính đã có sự chủ động “tính toán” thế nào để đảm bảo việc thực hiện các cam kết, cũng như đưa ra các giải pháp để hỗ trợ DN Việt? Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Tạp chí Thuế đã trao đổi với ông Vũ Nhữ Thăng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính).
Trong số các hiệp định thương mại tự do (FTA) có nhiều dòng thuế cắt giảm về 0% vào năm 2018, xin ông cho biết những hiệp định nào sẽ tác động trực tiếp tới hoạt động SXKD của DN Việt Nam?
Năm 2018 là mốc quan trọng đối với một số FTA như ATIGA, ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), ASEAN Australia - Newzealand (AANZFTA). Theo đó, sẽ có rất nhiều dòng thuế của các hiệp định này được xóa bỏ thuế suất về 0%, hoặc giảm thuế suất với mức cắt giảm lên đến 20%.
Cụ thể, theo cam kết của ATIGA, thuế suất trung bình giảm từ 0,96% năm 2017 xuống còn 0,06% năm 2018, tương ứng sẽ có 672/9558 dòng thuế của biểu AHTN 2012 phải cắt giảm, trong đó có đến 670 dòng xóa bỏ thuế về 0%, tỷ lệ sử dụng ưu đãi (C/O) của các dòng thuế này lên đến 81% - chiếm 30% tổng kim ngạch nhập khẩu ưu đãi của cả biểu thuế. Dự báo khi thuế nhập khẩu giảm, sẽ làm tăng lượng kim ngạch nhập khẩu có C/O từ các quốc gia ASEAN. Do vậy, đây sẽ là hiệp định ảnh hưởng lớn nhất đến các ngành SXKD của Việt Nam, nhất là sản xuất ôtô dưới 9 chỗ, ôtô tải, linh kiện phụ tùng, điện và điện tử, máy móc thiết bị, hóa chất, nhựa, đường, sữa, thực phẩm.
Tiếp theo là các AJCEP với 5576 dòng thuế cắt giảm, trong đó 3109 dòng xóa bỏ thuế quan; VJEPA với 4921 dòng cắt giảm, trong đó có 414 dòng thuế xóa bỏ; AANZFTA phải cắt giảm 2738 dòng thuế, trong đó 2337 dòng thuế về 0%; AKFTA với 469 dòng thuế về 0%; VKFTA với 539 dòng cắt giảm thuế, trong đó có 454 dòng xóa bỏ thuế. Khi thuế giảm, việc tận dụng các ưu đãi từ các hiệp định này sẽ tăng lên, đơn cử như Hiệp định AANZFTA năm 2016 lượng kim ngạch nhập khẩu có ưu đãi tăng 4 lần, nâng tỷ lệ sử dụng ưu đãi trên tổng kim ngạch nhập khẩu từ Australia và Newzealand lên cao hơn ASEAN (46%). Các ngành hàng có thể bị ảnh hưởng bởi các hiệp định này là xăng dầu, thủy hải sản, rau quả, thức ăn chăn nuôi, sữa, linh kiện phụ tùng, sắt thép, ôtô, máy móc, thực phẩm, hóa chất, nhựa, giấy, điện và điện tử.
Để ứng phó với những tác động từ các FTA, ngành tài chính đã có sự chuẩn bị như thế nào để vừa đảm bảo tính chủ động, vừa tuân thủ các cam kết đã ký kết, thưa ông?
Để đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 65/2017/TT-BTC có hiệu lực từ 1/1/2018 thay thế cho danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam theo AHTN 2012 hiện hành, làm cơ sở xây dựng biểu thuế thực hiện các FTA giai đoạn 2018-2022. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã chủ động lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, hiệp hội, DN về phương án xử lý thuế của các dòng hàng tách gộp, nhằm giảm thiểu tác động trực tiếp tới hoạt động SXKD trong nước. Cùng với việc công bố và tuyên truyền về lộ trình cam kết cắt giảm, xóa bỏ thuế nhập khẩu trong các FTA theo từng giai đoạn, Bộ Tài chính còn lấy ý kiến, xác định rõ lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu trong 5 năm tới. Trên cơ sở này, Chính phủ đã ban hành 10 nghị định về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện các FTAs, giúp DN định hướng, xây dựng chiến lược SXKD phù hợp.
Ngoài ra, để giúp các đối tượng chịu ảnh hưởng của việc cắt giảm thuế nói chung và các đối tượng trực tiếp bị tác động khi các dòng thuế bị cắt giảm mạnh nói riêng, Bộ Tài chính đã tính đến việc thực hiện các cam kết theo lộ trình hợp lý, không tạo ra biến động đột ngột, ảnh hưởng đến SXKD, xuất nhập khẩu. Cùng với đó là, sửa đổi Luật Thuế TTĐB để xác định giá tính thuế đối với hàng nhập khẩu; tiếp tục sửa đổi, bổ sung chính sách thu nội địa, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ trong nước, khuyến khích xuất khẩu. Đồng thời, cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng khả năng cạnh tranh của DN. Cùng lúc, Bộ Tài chính cũng tăng cường công tác đánh giá tác động hội nhập tác động của sản xuất trong nước, để có điều chỉnh chính sách thuế suất, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp.
Ở thời điểm bắt đầu năm mới, ông có khuyến nghị gì đối với DN sản xuất trong nước?
Thời gian thực hiện các cam kết đã bắt đầu, việc cắt giảm thuế nhập khẩu để thực hiện cam kết trong FTAs sẽ đem lại cả thuận lợi và khó khăn cho hoạt động SXKD của DN. Do đó, DN sản xuất cần nắm bắt các cơ hội, thúc đẩy xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường với các ngành thế mạnh (như dệt may, da giày); nâng cao trình độ quản trị; đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu đầu vào, bớt sự phụ thuộc vào thị trường truyền thống, để giảm chi phí, hạ giá thành. Tuy nhiên, DN cũng cần có giải pháp phù hợp để ứng phó với những thách thức do việc thực hiện cắt giảm thuế, đặc biệt với một số ngành như chăn nuôi, chế biến thực phẩm, ôtô, dược phẩm sẽ gặp nhiều khó khăn từ sức ép cạnh tranh, cần đổi mới phương thức sản xuất, công nghệ.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Tổng cục thuế