2 trường hợp không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân
Ngày 17/09/2019
Trả lời ý kiến của độc giả Trịnh Thu Trang (Trung tâm Giao thông vận tải – Hà Nội), Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, khoản bảo hiểm y tế bắt buộc do người sử dụng lao động mua cho người lao động sẽ được giảm trừ vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.
Theo hướng dẫn tại Tiết đ.2, Khoản 2, Điều 2 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính thì: trường hợp người sử dụng lao động mua cho người lao động sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc và không có tích lũy về phí bảo hiểm (kể cả trường hợp mua bảo hiểm của các doanh nghiệp không thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam được phép bán bảo hiểm tại Việt Nam) thì khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm này không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của người lao động.
Bảo hiểm không bắt buộc và không có tích lũy về phí bảo hiểm gồm: bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tử kỳ (không bao gồm sản phẩm bảo hiểm tử kỳ có hoàn phí),… mà người tham gia bảo hiểm không nhận được tiền phí tích lũy từ việc tham gia bảo hiểm, ngoài khoản tiền bảo hiểm hoặc bồi thường theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm trả.
Chính vì vậy, theo hướng dẫn của Cục Thuế TP. Hà Nội, khoản bảo hiểm y tế bắt buộc do người sử dụng lao động mua cho người lao động sẽ được giảm trừ vào thu nhập chịu thuế TNCN, còn khoản bảo hiểm y tế tự nguyện mà người lao động tự mua sẽ không được trừ vào thu nhập chịu thuế TNCN.
Cũng theo văn bản trả lời độc giả của Cục Thuế TP. Hà Nội, trường hợp người lao động mắc bệnh hiểm nghèo được người sử dụng lao động hỗ trợ tài chính cho việc khám chữa bệnh hiểm nghèo thì khoản hỗ trợ tài chính đó không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN nhưng phải thỏa mãn các điều kiện quy định tại điểm g.1, khoản 2, Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 5/8/2013.
Theo đó, điều kiện để việc hỗ trợ tài chính của người sử dụng lao động không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN, bao gồm: khoản hỗ trợ của người sử dụng lao động cho việc khám chữa bệnh hiểm nghèo cho bản thân người lao động và thân nhân người lao động.
Thân nhân người lao động trong trường hợp này là: con đẻ, con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú, con riêng của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp.
Mức hỗ trợ là số tiền chi trả theo chứng từ trả tiền viện phí nhưng không quá số tiền trả viện phí của người lao động và thân nhân người lao động sau khi đã trừ số tiền chi trả của tổ chức bảo hiểm.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm lưu giữ bản sao chứng từ trả tiền viện phí có xác nhận của người sử dụng lao động (trong trường hợp người lao động và thân nhân người lao động trả phần còn lại sau khi tổ chức bảo hiểm trả trực tiếp với cơ sở khám chữa bệnh) hoặc bản sao chứng từ trả viện phí; bản sao chứng từ chi trả bảo hiểm y tế có xác nhận của người sử dụng lao động (trong trường hợp người lao động và thân nhân người lao động trả toàn bộ viện phí, tổ chức bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người lao động và thân nhân người lao động) cùng với chứng từ chi tiền hỗ trợ người lao động và thân nhân người lao động mắc bệnh hiểm nghèo)./.
Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam