Một số lưu ý khi thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân, TNDN năm 2021 trên phần mềm kế toán 1A
Ngày 16/03/2021 - LV.Thao
Trong năm 2020 do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh covid – 19 nên có có một số quy định mang tính ưu đãi về thuế hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động. Cụ thể đổi với doanh nghiệp có doanh thu năm 2020 dưới 200 tỷ thì được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, đối với thuế thu nhập cá nhân thì nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với cá nhân và người phụ thuộc. Sau đây cụ thể một số điểm cần lưu ý theo quy định và khi thực hiện quyết toán thuế trên phần mềm Kế toán 1A.
Quyết toán thuế thu nhập cá nhân (QTT TNCN)
Về quy định khi QTT TNCN, năm 2020 có sự điều chỉnh về mức giảm trừ gia cảnh là:
- Đối với cá nhân người nộp thuế: 11 triệu đồng/tháng
- Đối với người phụ thuộc: 4,4 triệu đồng/tháng/người
Mức giảm trừ gia cảnh này được áp dụng tính cho cả năm 2020 khi quyết toán thuế TNCN, trong khi năm 2019 lần lượt là 9 triệu và 3,6 triệu. Ngoài ra miễn thuế TNCN đối với cá nhân có số tiền thuế phát sinh phải nộp hằng năm sau quyết toán thuế TNCN từ tiền lương, tiền công từ 50.000 đồng trở xuống; đồng thời cá nhân không phải nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN.
Thực hiện quyết toán thuế TNCN trên phần mềm kế toán 1A cũng có lưu ý như sau:
Do nghị quyết số: 954/2020/UBTVQH14 có hiệu lực từ tháng 07/2020, trong khi quyết toán thuế thì áp dụng cho cả năm 2020. Nên mức giảm trừ gia cảnh của bảng lương 6 tháng đầu năm 2020 bạn đang để mức giảm trừ gia cảnh cũ. Vậy khi lập tờ khai quyết toán thuế TNCN bạn cần bổ sung và nhập vào cột “GT gia cảnh” trong bảng quyết toán lương nhân viên nhé.
Quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (QTT TNDN)
Về quy định khi QTT TNDN, năm 2020 theo nghị định 114/2020/NĐ-CP: Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng. Tổng doanh thu năm 2020 bao gồm toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành. Số thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm quy định tại Nghị định này được tính trên số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 sau khi đã trừ đi số thuế thu nhập doanh nghiệp mà doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Những lưu ý khi quyết toán thuế TNDN trên phần mềm kế toán 1A, đối với đại đa số các doanh nghiệp thì cần quan tâm đến các chỉ tiêu sau:
Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế (chỉ tiêu B4 trên tờ khai QTT TNDN), bạn nên tập hợp các khoản chi phí này vào tài khoản 8118 (Chi phí khác), để khi bạn lập tờ khai quyết toán thuế thì có sẵn số liệu để nhập vào chỉ tiêu này.
Các khoản chi phí này thường bao gồm:
- Các khoản tiền phạt về vi phạm hành chính: như tiền phạt thuế nộp chậm, tiền phạt vi phạm luật giao thông, vi phạm về chế độ đăng ký kinh doanh…
- Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH một thành viên do một cá nhân làm chủ.
- Chi phí lãi vay vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do ngân hàng công bố tại thời điểm vay.
- Chi phí nguyên vật liệu vượt định mức sản xuất, xây lắp, hoặc không phù hợp với định mức tiêu hao.
- Các khoản chi phí không có chứng từ hợp lệ theo quy định của luật thuế.
- Phần trích khấu hao tương ứng nguyên giá vượt trên 1,6 tỷ đồng/xe đối với xe chở dưới 9 chỗ ngồi (áp dụng với đơn vị không đăng ký kinh doanh DV vận tải).
- …
Cần nắm rõ quy định về chuyển lỗ và bù trừ lãi lỗ khi quyết toán thuế TNDN (Chỉ tiêu C3 – trên tờ khai QTT TNDN), theo điều 9 Thông tư 78/2014/TT-BTC:
- Doanh nghiệp chỉ được thực hiện chuyển lỗ khi phát sinh số lãi trong kỳ
- Số lỗ được chuyển tối đa bằng số lãi kỳ hiện tại
- Chuyển lỗ liên tục và thời gian chuyển tối đa trong vòng 5 năm.
Số thuế được giảm 30% theo nghị định 114/2020/NĐ-CP, bạn nhập vào chỉ tiêu C12 và C14 trên tờ khai QTT TNDN, với điều kiện được giảm như đã nói ở trên. Lưu ý sau khi xuất dữ liệu tờ khai từ phần mềm kế toán ra phần mềm HTKK thuế thì bạn cần làm thêm phụ lục PL 114/2020/NĐ-CP.
Số thuế TNDN đã tạm nộp trong năm (Chỉ tiêu E – trên tờ khai QTT TNDN): Lưu ý để nhập vào chỉ tiêu này bạn cần tổng hợp các chứng từ đã nộp tạm tính trong năm, đồng thời ghi bút toán tạm nộp vào phiếu kế toán nợ 821 – có 3334. Bạn có thể ghi nhận theo từng lần tạm nộp ở các quý hoặc ghi bút toán vào cuối năm tổng số thuế đã tạm nộp. Sau khi nhập vào chỉ tiêu E trên tờ khai thì phần mềm sẽ bù trừ số thuế phải nộp khi quyết toán với số đã tạm nộp trong năm để phát sinh chính xác bút toán quyết toán thuế TNDN.
Bạn cần kiểm tra lại các chỉ tiêu và ghi sổ tờ khai để phần mềm phát sinh bút toán quyết toán thuế TNDN, đồng thời bấm Kết xuất XML để đẩy số liệu sang phần mềm HTKK thuế.
Trên đây là các chỉ tiêu phổ biến mà gần như doanh nghiệp nào cũng cần lưu ý khi lập tờ khai quyết toán thuế TNDN. Ngoài ra còn nhiều chỉ tiêu khác, bạn cần tìm hiểu rõ các quy định và điều kiện để nhập vào tờ khai thuế khi quyết toán./.