Kinh nghiệm đọc và kiểm tra báo cáo tài chính dành cho kế toán
Ngày 13/11/2020
Báo cáo tài chính (BCTC) luôn là báo cáo quan trọng nhất của doanh nghiệp. Nó phản ánh tình hình tài chính của công ty, nêu rõ xu hướng phát triển hoặc các mục tiêu đã đạt được của doanh nghiệp. Tuy vậy, mỗi đối tượng khác nhau sẽ có các cách tiếp cận, đọc hiểu và kiểm tra BCTC khác nhau. Như với các nhà đầu tư thì sẽ dựa trên các số liệu của BCTC để phân tích ra các chỉ số tài chính (khả năng thanh toán, vòng quay hàng tồn kho, …) nhằm đưa ra quyết định đầu tư chính xác.
Còn riêng với kế toán, kỹ năng kiểm tra BCTC nhanh và chính xác sẽ giúp ích rất nhiều trong việc rà soát báo cáo trước khi nộp cho cơ quan thuế. Hãy cũng phần mềm kế toán 1A tìm hiểu các bước kiểm tra BCTC dành cho kế toán nhé.
Báo cáo tài chính cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động tài chính của doanh nghiệp, như: tài sản, nợ, vốn chủ sở hữu, doanh thu, lợi nhuận, dòng tiền… Báo cáo thường được công bố định kỳ vào cuối mỗi quý và vào cuối năm.
Bộ báo cáo tài chính hoàn chỉnh bao gồm:
- Báo cáo của Ban giám đốc
- Báo cáo của công ty kiểm toán độc lập
- Bảng cân đối kế toán (Báo cáo tình hình tài chính)
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
- Thuyết minh báo cáo tài chính
Kế toán trong doanh nghiệp thường chỉ tiếp xúc nhiều với 4 loại báo cáo cuối cùng. Còn 2 báo cáo của kiểm toán viên và của Ban giám đốc thường sẽ do các nhà đầu tư đọc và phân tích.
Kiểm tra Bảng cân đối kế toán (Báo cáo tình hình tài chính)
Đây là bảng số liệu quan trọng đầu tiên của doanh nghiệp. Nó thể hiện rõ nét tình hình tài chính của doanh nghiệp, cũng như mối tương quan giữa giá trị tài sản và nguồn vốn hình thành tài sản tại một thời điểm nhất định (cuối quý, cuối năm).
Kết cấu của Bảng cân đối sẽ gồm 2 phần là Tài sản và Nguồn vốn. Bạn cần nhớ phương trình cân bằng Tài sản = Nợ phải trả + Vốn chủ sở hữu. Nếu bảng đối kế toán của bạn không cân, bạn cần kiểm tra lại xem có bị sót số liệu tài khoản nào hoặc cộng nhầm số liệu hay không.
Tài sản: Đây là những thứ thuộc sở hữu của doanh nghiệp, có khả năng tạo ra lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp bạn sử dụng mẫu BCTC của Thông tư 200 hoặc mẫu 01B của Thông tư 133, bạn lưu ý thêm là cần phân loại tài sản thành 2 loại: Tài sản ngắn hạn và Tài sản dài hạn.
- Tài sản ngắn hạn: Là những loại tài sản có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt trong vòng dưới 1 năm hoặc 1 chu kỳ kinh doanh. Bao gồm các mục chính như:
- Tiền và tương đương tiền: gồm tiền mặt và tiền gửi ngân hàng. Đây là loại tài sản có tính thanh khoản cao nhất của doanh nghiệp. Khoản mục này cũng là một trong số ít khoản mục ít bị tác động bởi kế toán.
- Các khoản phải thu: là số tiền mà khách hàng chưa thanh toán (còn nợ) cho doanh nghiệp. Đây là khoản mục mà bạn cần theo dõi sát sao.
- Hàng tồn kho: Là giá trị hàng dự trữ của doanh nghiệp. Đó có thể là: nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm hoặc hàng hóa… Tùy thuộc từng doanh nghiệp mà tỷ trọng phân bổ hàng tồn kho sẽ khác nhau. Ví dụ, một doanh nghiệp sản xuất thì sẽ tồn kho một lượng lớn nguyên vật liệu. Trong khi đó, doanh nghiệp thương mại thì thường tồn kho chủ yếu là hàng hóa, thành phẩm.
- Tài sản dài hạn: Là những tài sản sẽ có thời gian sử dụng trên 1 năm. Trong đó, Tài sản cố định là khoản mục quan trọng. Tài sản cố định bao gồm: Tài sản hữu hình (như máy móc thiết bị, nhà xưởng, máy tính…) và Tài sản vô hình (như bằng sáng chế, bản quyền phát minh…).
Nợ phải trả: Nợ phải trả thể hiện nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp đối với bên ngoài như: chủ nợ, nhà nước, nhà cung cấp, người lao động… Nợ phải trả cũng được chia làm 2 loại: Nợ ngắn hạn và Nợ dài hạn.
- Nợ ngắn hạn là những khoản nợ và các nghĩa vụ tài chính phải thanh toán dưới 1 năm.
- Nợ dài hạn là những khoản nợ và nghĩa vụ tài chính được phép thanh toán trên 1 năm.
Vốn chủ sở hữu: Bao gồm các mục:
- Vốn góp chủ sở hữu: hay vốn cổ phần, là số vốn thực tế được góp vào doanh nghiệp.
- Lợi nhuận chưa phân phối: Nếu trong năm tài chính, doanh nghiệp quyết định tái đầu tư thì phần lợi nhuận giữ lại sẽ được chuyển từ Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh vào tài khoản này.
Ngoài ra có các loại quỹ như Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ khen thưởng, phúc lợi, …
Một số kinh nghiệm khi kiểm tra Bảng cân đối kế toán:
- Bạn cần làm Bảng cân đối tài khoản thật chuẩn trước khi nhập số liệu vào Bảng cân đối kế toán. Trên bảng cân đối tài khoản, cần kiểm tra xem tất cả các tài khoản đã có số dư đúng với bản chất của nó hay chưa. Ví dụ: một số tài khoản chỉ có dư bên Nợ như 111, 112, 133, …; một số thì chỉ có số dư bên Có như 214, 229, 411, …; các tài khoản từ loại 5 đến loại 9 sẽ không có số dư cuối kỳ, nếu vẫn còn số dư cuối kỳ thì cần thực hiện kết chuyển đến khi hết số dư.
- Kiểm tra xem đã phân loại ngắn hạn/dài hạn đúng hay chưa. Đặc biệt với các tài khoản 242, 131, 331, … Vì nếu phân loại không đúng, bạn rất dễ nhập sót hoặc trùng số liệu (ví dụ đã cộng khoản phải thu của KH A vào chỉ tiêu Phải thu ngắn hạn, sau đó lại cộng tiếp khoản đó vào chỉ tiêu Phải thu dài hạn, …).
- Đối chiếu bảng nhập xuất tồn và số dư tồn kho. Cần xử lý tình trạng âm kho trước khi đưa số dư vào bảng cân đối kế toán.
- Kiểm tra các loại sổ quỹ và so sánh với số dư trên bảng cân đối tài khoản. Nguyên tắc quỹ tiền mặt là không được âm quỹ ở bất kỳ thời điểm nào trong năm; Kiểm tra sổ ngân hàng đã đúng với sao kê của ngân hàng hay chưa; Đã thực hiện đánh giá ngoại tệ cuối năm hay chưa; …
- Kiểm tra số dư của 214 có bằng với số liệu trích khấu hao tài sản trong năm hay không. Kiểm tra đã phân bổ CCDC và CPTT cho tất cả các tháng hay chưa.
- Kiểm tra số dư của các tài khoản thuế. Một số vấn đề kế toán cần kiểm tra là: Đã ghi nhận chi phí thuế hay chưa (khá nhiều kế toán dù đã đem tiền đi nộp thuế nhưng chỉ nhập phiếu chi chứ chưa ghi nhận chi phí thuế); Đã khấu trừ thuế GTGT hay chưa; …
Kiểm tra Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
Chúng ta sẽ chuyển sang báo cáo quan trọng thứ 2, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (KQKD). Báo cáo KQKD là báo cáo tổng kết doanh thu, chi phí hoạt động của doanh nghiệp trong kỳ báo cáo (quý hoặc năm tài chính). Báo cáo KQKD chia hoạt động của doanh nghiệp thành 3 mảng: Hoạt động kinh doanh chính (hoạt động cốt lõi), Hoạt động tài chính và Hoạt động khác.
Công thức chung ở phần này là: Lợi nhuận = Doanh thu – Chi phí
Hoạt động kinh doanh chính
Bao gồm các khoản mục:
- Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ: Đây là doanh thu từ hoạt động kinh doanh “nòng cốt” của doanh nghiệp (sau khi trừ các Khoản giảm trừ doanh thu). Thông thường, đây là hoạt động chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu.
- Giá vốn hàng bán: Thể hiện tất cả chi phí để làm ra hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp.
- Lợi nhuận gộp = Doanh thu thuần BH, CCDV – Giá vốn hàng bán
- Chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp (QLDN).
Hoạt động tài chính
Bao gồm các mục:
- Doanh thu tài chính: có từ các nguồn như: lãi tiền gửi, lãi từ nhận đầu tư, lãi chênh lệch tỷ giá, …
- Chi phí tài chính: gồm có chi phí lãi vay, lỗ chênh lệch tỷ giá, dự phòng các khoản đầu tư tài chính, … phát sinh trong kỳ báo cáo của doanh nghiệp. Trong đó chi phí lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá (nếu có) là 2 loại chi phí quan trọng mà bạn cần chú ý.
- Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh = Lợi nhuận gộp + Doanh thu TC – Chi phí TC – Chi phí BH, QLDN (Lấy doanh thu trừ đi chi phí ở 2 hoạt động kinh doanh và tài chính, ta được Lợi nhuận thuần)
Hoạt động khác
Những gì không nằm trong hoạt động kinh doanh chính và hoạt động tài chính thì sẽ nằm hết ở đây. Thông thường, hoạt động này chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu kinh doanh của doanh nghiệp.
- Thu nhập khác: có nguồn từ lãi thanh lý, nhượng bán tài sản hay được bồi thường hợp đồng, …
- Chi phí khác: Trái ngược với thu nhập khác, chi phí khác sẽ có nguồn từ lỗ thanh lý, nhượng bán tài sản, phải bồi thường vi phạm hợp đồng…
- Lợi nhuận khác = Thu nhập khác – Chi phí khác
Lợi nhuận
- Lợi nhuận trước thuế = Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh + Lợi nhuận khác
- Lợi nhuận sau thuế = Lợi nhuận trước thuế – Thuế TNDN. Đây là khoản lợi nhuận thuộc sở hữu của doanh nghiệp và cổ đông.
Một số kinh nghiệm khi kiểm tra Báo cáo kết quả kinh doanh:
- Bạn cần kiểm tra lại các khoản giảm trừ doanh thu đã được kết chuyển vào tài khoản 511 hay chưa. Nếu đã được kết chuyển rồi thì rất có thể doanh thu bạn nhập vào báo cáo KQKD sẽ không đúng doanh thu thực tế trong kỳ kế toán.
- Giá vốn hàng bán sẽ có thay đổi tùy vào phương pháp tính giá trị hàng tồn kho. Bạn cần kiểm tra lại phương pháp tính giá có được áp dụng xuyên suốt năm tài chính hay không.
- Khoản chi phí Thuế TNDN là khoản phát sinh của TK 821 trong năm, không phải là số tiền bạn đem nộp thuế TNDN. Vì thông thường, khoản tiền chi ra nộp thuế sẽ bị lệch kỳ so với khoản chi phí phát sinh (ví dụ chi phí thuế TNDN của Quý 4/2020 được ghi nhận vào 31/12/2020 nhưng thực tế sang tháng 01/2021 bạn mới chi tiền đem nộp cho cơ quan thuế).
Xem tiếp: Cách kiểm tra báo cáo lưu chuyển tiền tệ và thuyết minh báo cáo tài chính.
NTB.Liên