Bổ sung 15 mặt hàng xin ý kiến về thuế nhập khẩu
Ngày 23/09/2019
Mới đây Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các bộ ngành, hiệp hội và doanh nghiệp (DN) có liên quan đối với thuế nhập khẩu (NK) (có tăng, có giảm và giữ nguyên) đối với 15 mặt hàng.
Sau 2 lần có công văn gửi xin ý kiến về dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ, mới đây, Bộ Tài chính tiếp tục nhận được 17 kiến nghị mới phát sinh ngoài các nội dung đã xin ý kiến. Do đó, Bộ Tài chính tiếp tục dự thảo gửi xin ý kiến trước khi trình Chính phủ ban hành. Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 125/2017/NĐ-CP dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 9 này.
Đề xuất giữ nguyên 10 mặt hàng
Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của một số bộ, ngành về điều chỉnh thuế suất thuế NK đối với 10 mặt hàng, gồm: mặt hàng để nhân giống; bao bì tá dược; sữa và sản phẩm từ sữa; kính gia công; đồ gỗ nội thất; xơ ngắn; CKD (xe lắp ráp trong nước); hộp số thuộc nhóm 98.45; than gỗ; mùn cưa và phế liệu gỗ.
Tuy nhiên, đối với 10 mặt hàng trên, Bộ Tài chính đề nghị giữ nguyên thuế suất hiện hành.
Ví dụ, mặt hàng bao bì, tá dược… dùng để sản xuất dược phẩm và trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đề nghị áp thuế 0%, đồng thời xem xét tăng thuế NK đối với trang thiết bị y tế mà trong nước đã sản xuất được. Bộ Tài chính cho rằng, kiến nghị áp thuế 0% đối với các mặt hàng này thì cần cung cấp tiêu chí kỹ thuật để phân biệt với loại khác và trên cơ sở đó tách riêng mã số và mô tả (nếu phù hợp). Về kiến nghị tăng thuế NK trang thiết bị trong nước sản xuất được, theo Bộ Tài chính, hiện nay các mức thuế NK tại Biểu thuế NK cơ bản phù hợp với tình hình trong nước đã sản xuất được và đảm bảo cam kết quốc tế. Do đó, không điều chỉnh tăng vì vi phạm cam kết WTO.
Đối với mặt hàng CKD, Bộ Tài chính cho biết, tại Danh mục AHTN, nhóm 87.03 chi tiết xe ô tô theo chủng loại, dung tích và dạng nguyên chiếc và CKD. Biểu thuế NK của Việt Nam từ năm 2007 (từ khi gia nhập cam kết WTO) đã quy định không phân loại xe vào mã CKD.
DN NK mặt hàng CKD được áp dụng chính sách thuế NK ưu đãi thông thường MFN như sau: Đối với DN thương mại, phân loại theo mã HS và áp dụng mức thuế suất của xe nguyên chiếc. Đối với DN sản xuất, lắp ráp ô tô, trong trường hợp đáp ứng điều kiện để được tính thuế theo từng linh kiện, phụ tùng, thì được phân loại và áp dụng mức thuế suất MFN của linh kiện, phụ tùng quy định tại 97 Chương của biểu thuế. Theo Bộ Tài chính, việc quy định thuế suất như trên nhằm khuyến khích DN đầu tư sản xuất lắp ráp ô tô. Chính sách này đã thực hiện nhiều năm và không có phát sinh vướng mắc, đồng thời đã góp phần phát triển lĩnh vực sản xuất lắp ráp ô tô trong thời gian qua, do đó, Bộ Tài chính đề nghị giữ như quy định hiện hành.
Giảm thuế đối với 4 mặt hàng
Tại công văn gửi xin ý kiến lần này, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế đối với 4 nhóm mặt hàng đó là: Động cơ ô tô; nhôm chưa gia công; quầy hàng, tủ bày hàng; sơn.
Đối với mặt hàng động cơ ô tô, theo Bộ Tài chính, mặt hàng động cơ dầu có dung tích xi lanh không quá 2.000cc thuộc mã HS 8408.20.21 và dung tích xi lanh trên 2.000cc nhưng không quá 3.500cc mã HS 8408.20.22, thuế suất MFN là 25% cùng có cam kết WTO là 25%, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) là 0%, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) là 20% (2019). Tuy nhiên, mặt hàng động cơ xăng thuộc nhóm 84.07 hiện có thuế suất MFN là 20% (bằng mức cam kết trần WTO). Do vậy, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế NK các mã hàng 8408.20.21, 8408.20.22 từ 25% xuống 20% nhằm thống nhất với mức thuế suất các mặt hàng động cơ xăng để thống nhất mức thuế suất đối với hàng hóa có cùng bản chất, cấu tạo, công dụng, có tính năng kỹ thuật.
Đối với mặt hàng sơn thuộc nhóm 32.09, theo Bộ Tài chính, trên thực tế mặt hàng sơn phân tán hoặc hòa tan trong môi trường nước (nhóm 32.09) là mặt hàng thân thiện môi trường, không gây độc hại và tác động đến môi trường, được các nước phát triển khuyến cáo sử dụng. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh giảm thuế mặt hàng sơn và vecni từ polyme acrylic hoặc polyme vinyl/loại khác, mã hàng 3209.10.90 từ 20% xuống 10%...
Tăng thuế nhập khẩu propan và hạt nhựa polypropylen
Tại dự thảo này, Bộ Tài chính dự kiến tăng thuế đối với mặt hàng propan và hạt nhựa polypropylen.
Bộ Tài chính nhận được kiến nghị giảm thuế NK propan để sản xuất hạt nhựa polypropylen (hạt nhựa PP) từ 2% xuống 0% và tăng thuế NK mặt hàng hạt nhựa polypropylen từ 3% lên 10%.
Theo Bộ Tài chính, đối với kiến nghị điều chỉnh thuế suất thuế NK propan (mã hàng 2711.12.00) từ 2% xuống 0%, hiện nay nhu cầu sử dụng propan trong nước khoảng 2 triệu tấn, trong nước đáp ứng khoảng 45% nhu cầu. Mặt hàng này mới được điều chỉnh từ 5% xuống 2% từ 1/1/2018, do vậy Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo quy định hiện hành.
Về kiến nghị điều chỉnh thuế suất thuế NK mặt hàng nhựa PP từ 3% lên 10%, dự kiến đến năm 2020 trong nước sản xuất được khoảng 850 nghìn tấn. Hiện nay nhu cầu trong nước khoảng 1,2 triệu tấn, theo đó khả năng sản xuất trong nước sẽ đáp ứng khoảng 70%. Để khuyến khích DN đầu tư sản xuất trong nước, giảm phụ thuộc vào NK, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế NK mặt hàng hạt nhựa polypropylen từ 3% lên 5% (sát mức trần cam kết WTO là 6%).
Về tác động số thu ngân sách, dự kiến khi giảm thuế đối với 4 mặt hàng này, sẽ giảm thu ngân sách khoảng 191,5 tỷ đồng.
Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam