Thời gian quyết toán thuế thu nhập cá nhân sẽ được "lùi" thêm 1 tháng từ năm 2021
Ngày 04/09/2019
Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 mới được thông qua có nhiều điểm mới nhằm tạo điều kiện tối đa cho người nộp thuế trong công tác quyết toán thuế.
Theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38, từ kỳ tính thuế năm 2021, việc quyết toán thuế thu nhập cá nhân được lùi thêm 1 tháng, hạn chót là ngày 30-4 thay vì ngày 31-3 hằng năm như hiện nay.
Nói về quy định này, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, Tổng cục Thuế cho biết, quy định này nhằm tạo điều kiện cho người nộp thuế, nhất là với những cá nhân có thu nhập tại nhiều đơn vị, và trên nhiều địa bàn khác nhau.
Nhiều trường hợp người nộp thuế phải chờ kì quyết toán thuế của doanh nghiệp sau đó cá nhân mới quyết toán thuế được. Trong khi đó theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành, thời hạn quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp trùng với thời hạn quyết toán thuế thu nhập cá nhân, như vậy dẫn đến việc chậm số liệu cũng như thông tin của cá nhân phải quyết toán thuế. Việc lùi thời hạn 1 tháng so với quy định hiện nay ngoài việc tạo điều kiện cho người nộp thuế, ngay cả cơ quan Thuế cũng sẽ có thêm một tháng để chỉnh lí cơ sở dữ liệu cũng như thông tin để xử lý hồ sơ quyết toán thuế của cá nhân.
Cùng với đó, Luật Quản lý thuế số 38 cũng quy định, các cá nhân có số thuế thu nhập cá nhân phải nộp từ 50.000 đồng trở xuống sẽ được miễn quyết toán thuế.
Với nội dung này, bà Tạ Thị Phương Lan cho biết, mục tiêu của Tổng cục Thuế nhằm giảm bớt các đối tượng phải quyết toán thuế thu nhập cá nhân.
"Theo Luật Thuế Thu nhập cá nhân, những trường hợp có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa có đề nghị hoàn sẽ phải quyết toán thuế. Những trường hợp này nếu không quyết toán đúng thời hạn cũng sẽ bị xử phạt về chậm nộp hồ sơ cũng như chậm nộp thuế. Chính vì vậy, với Luật Quản lý thuế số 38, chúng tôi muốn giảm bớt đối tượng phải nộp thuế, nhất là những trường hợp có số thuế phải nộp thêm khoảng 50 nghìn đồng. Như vậy sẽ góp phần giảm bớt thủ tục hành chính cho người nộp thuế cũng như giảm bớt công việc cho cơ quan thuế", bà Lan nói.
Chia sẻ về mức giảm trừ gia cảnh hiện nay, bà Tạ Thị Phương Lan cũng cho biết, Luật Thuế thu nhập cá nhân số 26 có hiệu lực từ ngày 1-7-2013 quy định nếu chỉ số giá biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực hoặc áp dụng mức giảm trừ gia cảnh, Chính phủ phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động giá.
"Theo số liệu thống kê của ngành Thuế theo dõi, tính đến hết năm 2018, chỉ số giá đã chạm ngưỡng trên 20%. Tổng cục Thuế đã báo cáo Bộ Tài chính những nội dung này. Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp", theo bà Lan.
Theo bà Lan, với các nước kiểm soát được mức thu nhập của mọi người dân, việc giảm trừ được thực hiện theo hóa đơn, chứng từ thực tế cho toàn bộ chi phí học hành của con, chăm sóc, khám điều trị chữa bệnh... Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa kiểm soát được toàn bộ thu nhập cũng như chi tiêu của dân cư nên buộc phải sử dụng công cụ là mức giảm trừ gia cảnh. Và khi biến động giá và một số chỉ tiêu khác đến ngưỡng theo quy định thì phải nâng mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp.
Nguồn: Báo Hải Quan