Những quy định mới người nộp thuế cần lưu ý

Ngày 12/08/2019

Luật Quản lý thuế sửa đổi (Luật Quản lý thuế số 38) vừa được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ 1/7/2020 có nhiều điểm mới quan trọng, đáng chú ý đó là nhiều quy định liên quan đến quyền, nghĩa vụ mà người nộp thuế cần phải lưu ý.

Người nộp thuế cần lưu ý

Lưu ý trong khai thuế và tính thuế

Về khai thuế và tính thuế (Chương IV), Luật Quản lý thuế đã sửa đổi, bổ sung nguyên tắc kê khai thuế căn cứ vào mô hình hoạch toán kinh doanh và quy định về phân cấp ngân sách; nguyên tắc xác định giá tính thuế đối với giao dịch liên kết.

Sửa đổi, bổ sung quy định trường hợp khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã công bố quyết định thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế thì người nộp thuế vẫn được khai bổ sung hồ sơ khai thuế và bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định của luật này.

Sửa đổi quy định về thứ tự thanh toán theo nguyên tắc nộp các khoản nợ thuộc diện cưỡng chế trước, khoản nợ chưa thuộc diện cưỡng chế và khoản phải nộp phát sinh sau để đảm bảo hiệu lực của pháp luật thuế.

Bổ sung quy định thời hạn nộp hồ sơ thuế, chứng từ nộp thuế điện tử trong trường hợp gặp sự cố kỹ thuật; thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán; thời hạn được khai bổ sung; thời hạn nộp thuế, tính tiền chậm nộp đối với số thuế phải nộp tăng thêm qua khai bổ sung nhằm đảm bảo thống nhất, rõ ràng, minh bạch giữa người nộp thuế và cơ quan thuế.

Luật Quản lý thuế số 38 cũng sửa đổi quy định về thời hạn khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4, kể từ ngày kết thúc năm dương lịch.

Cũng liên quan đến việc khai và nộp thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu, bổ sung nội dung trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau thông quan phát sinh số thuế phải nộp tăng thêm, hoặc cơ quan hải quan ấn định thuế sau thông quan, thì thời hạn nộp tiền thuế khai bổ sung, nộp tiền thuế ấn định được áp dụng theo thời hạn nộp thuế của tờ khai ban đầu.

Quy định về quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế

Luật Quản lý thuế số 38 đã bổ sung quy định về khoanh tiền thuế nợ. Theo đó, đối với các đối tượng người nộp thuế đã chết, hoặc được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp chờ giải thể, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được khoanh nợ thuế.

Quy định này sẽ khắc phục được bất cập phát sinh nợ ảo (khi nợ trên phạt chậm nộp cao, dẫn đến nợ đọng lớn, không có khả năng thu hồi). Đồng thời, quy định rõ về thẩm quyền khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, phân cấp cho thủ trưởng cơ quan quản lý thuế; bổ sung quy định thời điểm không tính tiền chậm nộp đối với các trường hợp được khoanh nợ.

Bổ sung đối tượng được xoá nợ đối với hợp tác xã bị tòa án tuyên bố phá sản mà không còn tài sản để nộp thuế và mở rộng thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp tỉnh được xóa nợ thuế đối với khoản nợ dưới 5 tỷ đồng trên cơ sở đề nghị của cục trưởng cục thuế, cục trưởng cục hải quan.

Quy định đối với trường hợp người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp có quyền đề nghị miễn tiền chậm nộp trong trường hợp gặp khó khăn do thiên tai, thảm hoạ, dịch bệnh, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ, các trường hợp bất khả kháng khác.

Để tăng cường hiệu quả của công tác cưỡng chế thu nợ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, Luật Quản lý thuế 38 quy định nguyên tắc áp dụng các biện pháp cưỡng chế linh hoạt, như: Đối với các biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập, dừng làm thủ tục hải quan thì căn cứ vào tình hình thực tế, cơ quan quản lý thuế áp dụng biện cưỡng chế phù hợp.

Đối với các biện pháp cưỡng chế khác (ngừng sử dụng hoá đơn; kê biên, bán đấu giá tài sản kê biên; thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ; thu hồi giấy chứng nhận, giấy phép) thì cơ quan quản lý thuế thực hiện việc cưỡng chế theo nguyên tắc: Trường hợp không áp dụng được biện pháp cưỡng chế trước thì cơ quan quản lý thuế chuyển sang áp dụng biện pháp cưỡng chế sau; trường hợp quyết định cưỡng chế đối với một số biện pháp chưa hết hiệu lực, nhưng không có hiệu quả mà cơ quan quản lý thuế có đủ thông tin, điều kiện thì thực hiện áp dụng biện pháp cưỡng chế trước đó hoặc biện pháp cưỡng chế tiếp theo.

Tăng quyền cho người nộp thuế

Cụ thể, tại khoản 11, Điều 16 Luật Quản lý thuế số 38 quy định, người nộp thuế không bị xử lý vi phạm về thuế, không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp do người nộp thuế thực hiện theo văn bản hướng dẫn và quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.

Quy định này tạo điều kiện cho người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình, đồng thời nâng cao vai trò trách nhiệm của cơ quan thuế khi thực thi công vụ. 

Người nộp thuế bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử

Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định để tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại cho công tác quản lý thuế, trong đó có việc áp dụng hoá đơn, chứng từ điện tử, quản lý thuế điện tử, đặc biệt là tạo cơ sở để quản lý thuế đối với các hoạt động kinh tế mới phát sinh phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, như kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số...

Luật Quản lý thuế số 38 quy định các doanh nghiệp phải sử dụng hoá đơn điện tử trong giao dịch bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ để góp phần khắc phục những gian lận trong việc sử dụng hoá đơn giấy, giảm chi phí cho người nộp thuế, nâng cao tính cạnh trạnh của toàn nền kinh tế, xây dựng cơ sở dữ liệu về hoá đơn, phục vụ xây dựng quản lý thuế điện tử. Quy định về nguyên tắc lập, quản lý và sử dụng hoá đơn; áp dụng hoá đơn khi bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ; cơ sở dữ liệu về hoá đơn điện tử, chứng từ điện tử...

Doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử cần lưu ý

Luật Quản lý thuế số 38 bổ sung quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử như: Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài, không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam.

Xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế online; bổ sung quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, quản lý giám sát dòng tiền, thực hiện khấu trừ thuế đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thương mại điện tử trong trường hợp tổ chức kinh doanh không có hiện diện thương mại tại Việt Nam.

Nguồn: Thời báo tài chính Việt Nam

XEM THÊM

 

 

Điện thoại hỗ trợ

 

(028) 3848 9975 - Tp. HCM

 

(024) 2324 3668 - Tp. Hà Nội

 

(07:30 - 12:00 và 13:00 - 17:00)

 
 

 

 

 

Email hỗ trợ

 

support1a@ttsoft.com.vn

 

 

Phần mềm hỗ trợ

 

Teamviewer QS

Ultraviewer Portable

 

 

Logo phần mềm kế toán 1A - Footer

Phần mềm kế toán 1A là thương hiệu đã được đăng ký và thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Thủy Thiên (TTSOFT)

 

© Copyright 2004 - 2022 by TTSOFT. All rights reserved.
DMCA.com Protection Status

Công ty cổ phần Thủy Thiên (TTSOFT)

  • Địa chỉ: 12/17 Đào Duy Anh, P9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM
  • Điện thoại: (028) 3848 9975 - Fax: (028) 3848 9976
  • Email: contact@ttsoft.com.vn
  • Website: www.ketoan1a.com

Hotline hỗ trợ tại Hà Nội

Tel: (024) 2324 3668

 

Hotline hỗ trợ tại TPHCM

Tel: (028) 3848 9975

 

(07:30 - 12:00 và 13:00 - 17:00)