Một số vướng mắc về hoá đơn điện tử
Ngày 07/06/2019
Việc sử dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, dịch vụ mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng về thời gian và chi phí, đồng thời giúp cơ quan thuế kiểm soát tốt hơn.
Trong quá trình sử dụng hoá đơn điện tử, người nộp thuế có thể gặp phải vấn đề vướng mắc cần được giải đáp. Cơ quan Thuế đã tổng hợp một số vướng mắc thường gặp để người nộp thuế có thể tham khảo trong từng trường hợp cụ thể như sau:
Trường hợp người nộp thuế đang sử dụng hoá đơn điện tử theo quy định tại Thông tư số 32/2011/TT-BTC, người nộp thuế đã thông báo phát hành hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in, hoặc đã mua hóa đơn của cơ quan thuế để sử dụng trước ngày 1/11/2018 (là ngày Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ có hiệu lực thi hành) thì được tiếp tục sử dụng hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in, hóa đơn đã mua đến hết ngày 31/10/2020.
Cơ quan Thuế lưu ý, khi bán hàng hóa, người bán xuất hoá đơn điện tử cho khách hàng thì phải lập đầy đủ danh mục hàng hóa bán ra đảm bảo nguyên tắc thông tin chứa trong hoá đơn điện tử có thể truy cập, sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/03/2011 của Bộ Tài chính.
Người bán hàng không được lập hoá đơn điện tử không có danh mục hàng hóa mà lại kèm theo bảng kê hàng hóa bản giấy cho khách hàng.
Trên hoá đơn điện tử phải có đầy đủ nội dung theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/03/2011 của Bộ Tài chính, cụ thể bao gồm các nội dung: Tên hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu, số thứ tự hóa đơn; Thông tin người bán (tên, địa chỉ, mã số thuế); Thông tin người mua (tên, địa chỉ, mã số thuế); Tên hàng hóa, dịch vụ; đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hoá, dịch vụ; thành tiền ghi bằng số và bằng chữ; Chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật của người bán; ngày, tháng năm lập và gửi hóa đơn; Chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật của người mua trong trường hợp người mua là đơn vị kế toán.
Theo Báo Hải Quan.