Tiếp tục giảm mạnh thuế Nhập khẩu của nhiều mặt hàng
Ngày 11/10/2017
Nhiều dòng thuế nhập khẩu (NK) giảm từ năm 2018 và những nhóm mặt hàng còn giữ thuế trong năm này, đến năm 2022 sẽ về 0%. Thuế NK giảm sâu mang lại nhiều tác động tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Bộ Tài chính đã tính đến cơ cấu lại nguồn thu, tăng thu từ nội địa, bù đắp những thiếu hụt từ thuế xuất nhập khẩu (XNK).
Nhiều dòng thuế về 0% từ 2018
10 dự thảo Nghị định biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các hiệp định thương mại hàng hóa với một số nước, cũng như trong khối ASEAN và ASEAN với một số nước, vừa được Bộ Tài chính hoàn thiện, đang lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình Chính phủ ký ban hành.
Theo đó, 10 Hiệp định thương mại tự do, gồm: ASEAN, ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Australia - Niu Di lân, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Trung Quốc, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Chi lê, Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu.
Để được áp dụng mức thuế suất NK ưu đãi đặc biệt, dự thảo các biểu thuế ban hành kèm theo Nghị định đã quy định rõ, hàng hóa NK phải thuộc Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Nghị định; được NK từ các nước là thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia…
Đồng thời, phải đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định có liên quan và có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) do Bộ Công thương quy định.
Tại các Biểu thuế trên, có rất nhiều dòng thuế về 0% từ năm 2018. Một số mặt hàng giữ thuế, cũng giảm dần về 0% đến năm 2022. Có một số mặt hàng giữ nguyên thuế suất trong 5 năm (2018 - 2022), tuy nhiên số này không nhiều, hầu hết là những mặt hàng không cam kết xóa bỏ thuế như rượu, bia, xăng dầu, ô tô, đường, thịt phụ phẩm, xi măng... (tùy từng hiệp định).
Trên thực tế, từ năm 2015, hàng loạt mặt hàng NK vào Việt Nam đã được giảm thuế theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do (FTA). Nhiều mặt hàng cam kết theo lộ trình đã được giảm thuế nhanh hơn và thấp hơn so với cam kết WTO và Biểu thuế NK ưu đãi (MFN). Tuy nhiên, với một loạt các Nghị định về biểu thuế NK ưu đãi giữa các thị trường nêu trên, khi được Chính phủ ký ban hành, giai đoạn 2018 - 2022 sẽ cắt giảm sâu hơn và tiến tới xóa bỏ thuế quan (về 0%) đối với nhiều mặt hàng vào năm 2022.
Ví dụ, đối với thuế suất AJCEP (ASEAN - Nhật Bản), theo dự thảo quy định, duy trì mức thuế suất thấp, một số loại về 0% từ năm 2018. Một số động vật sống có thuế suất 5% vào năm 2018, giảm về 0% ngay từ năm 2019 chứ không đợi đến năm 2022. Thuế suất AIFTA (ASEAN - Ấn Độ), một số mặt hàng động vật sống, có thuế NK từ 1 - 3% năm 2018, về 0% từ năm 2019. Mặt hàng thịt động vật, thuế suất 3% năm 2018 sẽ giảm xuống 0% từ năm 2019; với loại có thuế 15% năm 2018 sẽ giảm xuống từ 10% đến 9% lần lượt vào các năm 2019 - 2021 và về 0% vào năm 2022. Một số loại cá có thuế suất từ 7,5% - 15% vào năm 2018, sẽ giảm dần và về 0% vào năm 2022. Tương tự như vậy, đối với thuế VKFTA (Việt Nam - Hàn Quốc), mặt hàng thịt các loại từ 10% - 20% (năm 2018) giảm còn 0% vào năm 2022. Rượu, bia từ 50% - 55% (năm 2018), cũng xóa bỏ thuế vào năm 2022…
Thuế suất trung bình tiếp tục giảm
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - cơ quan được Bộ Tài chính giao xây dựng các dự thảo Nghị định cho biết, thời điểm hiện nay, cần thiết phải ban hành các nghị định mới, sửa đổi danh mục Biểu thuế XNK để thực hiện cam kết trong nội khối ASEAN, bởi cuối năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 109/2016/NQ-CP phê duyệt Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2017 (Danh mục AHTN 2017). Đồng thời, cần chuyển đổi mức thuế NK ưu đãi đặc biệt do có sự thay đổi về danh mục Biểu thuế NK theo danh mục hàng hóa XNK mới (AHTN 2017).
Theo ông Vũ Nhữ Thăng, sẽ có những thay đổi trong các biểu thuế ban hành kèm theo nghị định. Ví dụ tại Biểu thuế ATIGA (Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2018 - 2022), theo lộ trình cam kết, thuế suất trung bình của Biểu thuế giai đoạn 2015 - 2017 là 0,96%, còn giai đoạn 2018 - 2022 là 0,06% (giảm 0,9% so với giai đoạn 2015 - 2017). Theo cam kết, Việt Nam đã cơ bản hoàn thành xóa bỏ thuế quan trong ASEAN vào năm 2015, còn 7% dòng thuế được linh hoạt đến 2018. Ngoài ra, khoảng 3% số dòng thuế của Biểu ATIGA được loại trừ khỏi cam kết xóa bỏ thuế quan.
Đánh giá tác động của các dự thảo nghị định khi đi vào cuộc sống, ông Vũ Nhữ Thăng cho rằng, sẽ không phát sinh tác động đến việc thực thi các cam kết trong khuôn khổ các hiệp định đã ký kết, đồng thời đảm bảo tính ổn định của các Biểu thuế ưu đãi đặc biệt. Ngoài ra, do Biểu thuế được xây dựng trên cơ sở bám sát cam kết tại các hiệp định, nên về cơ bản thuế suất không thay đổi so với lộ trình cam kết. Theo lộ trình cắt giảm thuế quan, mức thuế bình quân dự kiến cắt giảm cho từng năm trong giai đoạn 2018 - 2022 cũng được tính toán cụ thể.
Về lo ngại những tác động giảm thu khi các biểu thuế mới được ban hành, theo ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính, ngay từ đầu năm 2017, Bộ Tài chính đã tính toán các tác động của các FTA đối với ngân sách nhà nước từ khi xây dựng dự toán trình Quốc hội thông qua vào cuối năm ngoái.
“Tất cả các phương án đều nằm trong dự kiến của Bộ Tài chính. Chúng ta gia nhập FTA, có những ưu đãi về thuế quan đồng nghĩa với đầu vào nền kinh tế sẽ giảm, hiệu quả sản xuất kinh doanh tăng, dẫn tới phần tăng thuế nội địa bù đắp cho giảm thu từ thuế NK. Tỷ lệ thu nội địa chúng ta đã tăng đáng kể từ ngưỡng 56% trong tổng thu ngân sách, nay đã tăng lên 75%, sắp tới sẽ tăng hơn nữa. Chính phần tăng thu từ thuế nội địa này sẽ bù giảm thu từ thuế XNK”, ông Nguyễn Minh Tân cho hay.
Nguồn: Thời báo tài chính Việt Nam