Hướng dẫn về quản lý chi hoàn thuế của Bộ Tài Chính
Ngày 16/03/2016
Ngày 14/3/2016, Bộ Tài Chính đã ban hành công văn số 3357/BTC-TC về Quản lý cho hoàn thuế GTGT giúp công tác hoàn thuế GTGT của doanh nghiệp được kịp thời, nhanh gọn. Công văn gồm những điểm chính là:
1. Về việc tiếp nhận, phân loại giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT.
Cơ quan thuế (CQT) tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế, phân loại giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính. Nếu phát hiện vi phạm trong hồ sơ hoàn thuế của Doanh nghiệp, CQT thay đổi việc áp dụng hình thức phân loại hồ sơ hoàn thuế của NNT đang thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau sang thuộc diện hồ sơ kiểm tra trước hoàn thuế sau.
2. Trách nhiệm về Quyết định hoàn thuế và tổ chức thực hiện việc giải quyết hoàn thuế GTGT.
Cục trưởng Cục Thuế có trách nhiệm về Quyết định hoàn thuế và tổ chức thực hiện việc giải quyết hoàn thuế GTGT; rà soát các trường hợp thường xuyên phát sinh hoàn thuế và phân cấp Cục Thuế trực tiếp quản lý thuế ; về quản lý rủi ro trong hoàn thuế GTGT.
Cục Thuế phải thực hiện cập nhật đầy đủ tờ khai thuế, hồ sơ đề nghị hoàn thuế và các thông tin liên quan đến quá trình giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế (Phiếu đề xuất hoàn thuế, biên bản kiểm tra).
Tổng cục Thuế có trách nhiệm giám sát, kiểm tra hồ sơ giải quyết hoàn thuế. Trong thời gian không quá 6 giờ làm việc, Tổng cục Thuế Thông báo kết quả giám sát hoàn thuế GTGT (hồ sơ đủ điều kiện ban hành Quyết định hoàn thuế hoặc hồ sơ không đủ điều kiện ban hành Quyết định hoàn thuế) gửi Cục Thuế qua hệ thống thư điện tử. Căn cứ kết quả Thông báo của Tổng cục Thuế, Cục Thuế ban hành quyết định hoàn thuế và tự động cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế.
Tổng cục Thuế kiểm tra, xác định xác định hồ sơ đủ điều kiện ban hành Quyết định hoàn thuế nếu: Hồ sơ khai thuế GTGT, Văn bản đề nghị hoàn thuế GTGT của người nộp thuế được thực hiện đúng quy định, đồng thời, được cập nhật đầy đủ vào Hệ thống TMS; Phiếu đề xuất hoàn thuế, biên bản kiểm tra (đối với trường hợp kiểm tra trước hoàn thuế, văn bản thẩm định hồ sơ đề nghị hoàn thuế), dự thảo quyết định hoàn thuế được thực hiện đảm bảo đúng trình tự và đúng thẩm quyền.
Thời gian giám sát, kiểm tra hồ sơ hoàn thuế của Tổng cục Thuế không tính trong thời gian giải quyết hồ sơ hoàn thuế của Cục Thuế.
3. Thực hiện kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau.
Tổng cục Thuế có trách nhiệm giao cụ thể chỉ tiêu kế hoạch thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau và đảm bảo theo đúng quy định tại Điều 23, Thông tư 204/2015/TT-BTC và theo đúng quy định của pháp luật.
4. Tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về công tác quản lý hoàn thuế GTGT.
Việc hoàn thuế GTGT tiếp tục được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và theo hướng dẫn tại các công văn: số 10492/BTC-TCT ngày 30/7/2015; số 11797/BTC-TCT ngày 22/8/2014; số 12485/BTC-TCT ngày 18/9/2013; số 10024/BTC-TCT ngày 22/7/2014; số 1752/BTC-TCT ngày 10/2/2014; Công văn số 875/BTC-TCT ngày 17/01/2014 của Bộ Tài chính.
Bãi bỏ quy định tại các Điểm 1, 2, 4 và 5 của công văn số 18832/BTC-TCT ngày 17/12/2015 và các Điểm 3 (khổ thứ hai), 4, 5, 6 của công văn số 13822/BTC-TCT ngày 02/10/2015 của Bộ Tài chính.
Việc quản lý chi và thủ tục hoàn thuế GTGT trên đây được thực hiện ngay từ ngày 14/3/2016 sẽ góp phần thuận lợi hơn cho CQT địa phương và NNT./.
Chi tiết công văn số 3357/BTC-TC.
Theo Tổng Cục Thuế