Các quy định và nghiệp vụ khấu hao tài sản cố định (Cập nhật 2021)

10/06/2021 - NTT.Hà

Sau khi đã tập hợp đầy đủ bộ hồ sơ và thực hiện ghi tăng Tài sản cố định (TSCĐ), Kế toán cần làm rõ các quy định về khấu hao tài sản cố định như xác định thời điểm trích khấu hao, khung thời gian khấu hao, phương pháp trích khấu hao. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu các vấn đề trên trong bài viết này nhé.

các phương pháp khấu hao tài sản cố định

Các TSCĐ cần trích khấu hao

Theo quy định ở Thông tư 45/2013/TT-BTC và sửa đổi bổ sung trong Thông tư 147/2016/TT/BTC thì tất cả các TSCĐ của Doanh nghiệp đều phải thực hiện trích khấu hao, trừ các trường hợp sau:

  • TSCĐ đã khấu hao hết giá trị nhưng vẫn còn đang sử dụng
  • TSCĐ đang trong thời gian sử dụng nhưng bị mất
  Trong trường hợp bị mất, cần xác định trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân liên quan. Phần chênh lệch giữa giá trị còn lại của TSCĐ và giá trị bồi thường có thể được bù đắp bằng Quỹ dự phòng tài chính của Doanh nghiệp, nếu không đủ thì chi phí còn lại có thể đưa vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN.
  • TSCĐ do Doanh nghiệp quản lý nhưng không thuộc quyền sở hữu của Doanh nghiệp
  Nếu TSCĐ là thuộc loại tài sản thuê tài chính thì Doanh nghiệp bắt buộc phải trích khấu hao.
  • TSCĐ không nằm trong sổ sách kế toán của Doanh nghiệp
  • TSCĐ phục vụ phúc lợi cho người lao động của Doanh nghiệp (trừ các TCSĐ phục vụ trực tiếp cho người lao động làm việc tại Doanh nghiệp như nhà nghỉ giữa ca, nhà ăn giữa ca, nhà thay quần áo, nhà vệ sinh, bể chứa nước, nhà để xe, xe đưa đón, …)
  Trường hợp các TSCĐ này cũng được sử dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh thì Doanh nghiệp cần căn cứ vào thời gian và tính chất công việc để thực hiện trích khấu hao, đồng thời báo cho cơ quan thuế trực tiếp để dễ quản lý.
  • TSCĐ từ nguồn viện trợ không hoàn lại được cơ quan có thẩm quyền giao cho Doanh nghiệp phục vụ nghiên cứu khoa học.
  • TSCĐ là quyền sử dụng đất lâu dài có thu tiền sử dụng đất hoặc có chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâu dài hợp pháp.

Các TSCĐ chưa đưa vào sử dụng ngay vẫn phải trích khấu hao nhưng chi phí khấu hao không được đưa vào chi phí hợp lý khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (trừ trường hợp có đủ hồ sơ chứng minh TSCĐ phục vụ sản xuất kinh doanh theo mùa vụ và bị tạm ngừng sử dụng – dưới 9 tháng – khi không sản xuất.)

Trường hợp TSCĐ chưa đưa vào sử dụng ngay, kế toán có thể ghi treo trên TK 241, sau đó chuyển về TK 211 khi quyết định đưa vào sử dụng.

Thời điểm trích khấu hao

Sau khi TSCĐ được ghi tăng (đưa vào TK 211, 212, 213) thì kế toán cần thực hiện trích khấu hao ngay tại ngày ghi tăng.

Khung thời gian khấu hao

TSCĐ hữu hình

Khung thời gian tính khấu hao của TSCĐ được xác định theo Phụ lục I, Thông tư 45/2013/TT-BTC như sau

Danh mục các nhóm tài sản cố định Thời gian trích khấu hao tối thiểu (năm) Thời gian trích khấu hao tối đa (năm)
A - Máy móc, thiết bị động lực
1. Máy phát động lực 8 15
2. Máy phát điện, thuỷ điện, nhiệt điện, phong điện, hỗn hợp khí. 7 20
3. Máy biến áp và thiết bị nguồn điện 7 15
4. Máy móc, thiết bị động lực khác 6 15
B - Máy móc, thiết bị công tác
1. Máy công cụ 7 15
2. Máy móc thiết bị dùng trong ngành khai khoáng 5 15
3. Máy kéo 6 15
4. Máy dùng cho nông, lâm nghiệp 6 15
5. Máy bơm nước và xăng dầu 6 15
6. Thiết bị luyện kim, gia công bề mặt chống gỉ và ăn mòn kim loại 7 15
7. Thiết bị chuyên dùng sản xuất các loại hoá chất 6 15
8. Máy móc, thiết bị chuyên dùng sản xuất vật liệu xây dựng, đồ sành sứ, thuỷ tinh 10 20
9. Thiết bị chuyên dùng sản xuất các linh kiện và điện tử, quang học, cơ khí chính xác 5 15
10. Máy móc, thiết bị dùng trong các ngành sản xuất da, in văn phòng phẩm và văn hoá phẩm 7 15
11. Máy móc, thiết bị dùng trong ngành dệt 10 15
12. Máy móc, thiết bị dùng trong ngành may mặc 5 10
13. Máy móc, thiết bị dùng trong ngành giấy 5 15
14. Máy móc, thiết bị sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm 7 15
15. Máy móc, thiết bị điện ảnh, y tế 6 15
16. Máy móc, thiết bị viễn thông, thông tin, điện tử, tin học và truyền hình 3 15
17. Máy móc, thiết bị sản xuất dược phẩm 6 10
18. Máy móc, thiết bị công tác khác 5 12
19. Máy móc, thiết bị dùng trong ngành lọc hoá dầu 10 20
20. Máy móc, thiết bị dùng trong thăm dò khai thác dầu khí. 7 10
21. Máy móc thiết bị xây dựng 8 15
22. Cần cẩu 10 20
C - Dụng cụ làm việc đo lường, thí nghiệm
1. Thiết bị đo lường, thử nghiệm các đại lượng cơ học, âm học và nhiệt học 5 10
2. Thiết bị quang học và quang phổ 6 10
3. Thiết bị điện và điện tử 5 10
4. Thiết bị đo và phân tích lý hoá 6 10
5. Thiết bị và dụng cụ đo phóng xạ 6 10
6. Thiết bị chuyên ngành đặc biệt 5 10
7. Các thiết bị đo lường, thí nghiệm khác 6 10
8. Khuôn mẫu dùng trong công nghiệp đúc 2 5
D - Thiết bị và phương tiện vận tải
1. Phương tiện vận tải đường bộ 6 10
2. Phương tiện vận tải đường sắt 7 15
3. Phương tiện vận tải đường thuỷ 7 15
4. Phương tiện vận tải đường không 8 20
5. Thiết bị vận chuyển đường ống 10 30
6. Phương tiện bốc dỡ, nâng hàng 6 10
7. Thiết bị và phương tiện vận tải khác 6 10
E - Dụng cụ quản lý
1. Thiết bị tính toán, đo lường 5 8
2. Máy móc, thiết bị thông tin, điện tử và phần mềm tin học phục vụ quản lý 3 8
3. Phương tiện và dụng cụ quản lý khác 5 10
G - Nhà cửa, vật kiến trúc
1. Nhà cửa loại kiên cố. 25 50
2. Nhà nghỉ giữa ca, nhà ăn giữa ca, nhà vệ sinh, nhà thay quần áo, nhà để xe... 6 25
3. Nhà cửa khác. 6 25
4. Kho chứa, bể chứa; cầu, đường, đường băng sân bay; bãi đỗ, sân phơi... 5 20
5. Kè, đập, cống, kênh, mương máng. 6 30
6. Bến cảng, ụ triền đà... 10 40
7. Các vật kiến trúc khác 5 10
H - Súc vật, vườn cây lâu năm
1. Các loại súc vật 4 15
2. Vườn cây công nghiệp, vườn cây ăn quả, vườn cây lâu năm. 6 40
3. Thảm cỏ, thảm cây xanh. 2 8
I - Các loại tài sản cố định hữu hình khác chưa quy định trong các nhóm trên. 4 25
K - Tài sản cố định vô hình khác. 2 20

Đối với TSCĐ đã qua sử dụng, thời gian trích khấu hao được xác định dựa trên giá trị hợp lý của TSCĐ và giá trị TSCĐ mới hoàn toàn được bán trên thị trường tại thời điểm ghi tăng theo công thức sau:

Thời gian khấu hao = Giá trị hợp lý / Giá trị TSCĐ mới x Thời gian theo khung thời gian khấu hao.

TSCĐ vô hình

  • Với TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất (có thời hạn) thì thời gian khấu hao là thời gian được sử dụng đất.
  • Với TSCĐ vô hình được bảo hộ như quyền tác giả, bằng phát minh, sáng chế, … thì thời gian khấu hao là thời gian được bảo hộ trên vản bản theo quy định (không tính thời gian bảo hộ thêm)
  • Doanh nghiệp có thể tự xác định thời gian khấu hao của TSCĐ vô hình khác như không được quá 20 năm.

Thay đổi thời gian khấu hao

  • Thời gian khấu hao TSCĐ được xác định nhất quán ngay khi ghi tăng tài sản, tuy nhiên Doanh nghiệp có thể thay đổi thời gian khấu hao KHÔNG QUÁ 1 lần với mỗi TSCĐ.
  • Việc thay đổi này phải đảm bảo không vượt quá tuổi thọ kỹ thuật của TSCĐ và không làm thay đổi kết quả kinh doanh của Doanh nghiệp tại năm thay đổi.
  • Nếu việc thay đổi không đúng quy định thì cơ quan thuế quản lý trực tiếp sẽ yêu cầu Doanh nghiệp xác định lại.

Trường hợp sửa chữa, nâng cấp TSCĐ

  • Chi phí sửa chữa TSCĐ KHÔNG làm tăng Nguyên giá TSCĐ, đồng thời không được đưa vào trích khấu hao. Kế toán có thể hạch toán trực tiếp hoặc phân bổ dần vào chi phí kinh doanh trong kỳ trong không quá 3 năm.
  • Việc nâng cấp, tháo dỡ TSCĐ làm tăng/giảm Nguyên giá TSCĐ và thay đổi thời gian khấu hao. Doanh nghiệp cần xác định lại thời gian trích khấu hao cho TSCĐ hình thành và lập văn bản nêu rõ căn cứ làm thay đổi thời gian trích khấu hao để trình lên các cơ quan có thẩm quyền.

Phương pháp trích khấu hao

Doanh nghiệp có thể áp dụng một trong ba phương pháp trích khấu hao là Đường thẳng; Số dư giảm dần có điều chỉnh và Số lượng, khối lượng sản phẩm phù hợp nhất với điều kiện sử dụng từng loại phương pháp khấu hao.

Khấu hao theo phương pháp đường thẳng

Doanh nghiệp trích khấu hao theo một mức ổn định từng năm vào chi phí sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp.

Giá trị khấu hao hàng năm = Nguyên giá TSCĐ / Thời gian khấu hao TSCĐ
Giá trị khấu hao hàng tháng = Giá trị khấu hao hàng năm / 12 (tháng)

>> Xem thêm: Cách xác định Nguyên giá TSCĐ

Trường hợp TSCĐ mua về sử dụng luôn (ngày trích khấu hao là ngày giữa tháng) thì cần xác định:

Giá trị khấu hao tháng đầu tiên = Giá trị khấu hao hàng tháng/Số ngày trong tháng x Số ngày sử dụng trong tháng.

Với:

  • Số ngày sử dụng trong tháng = Số ngày tính từ ngày ghi tăng đến cuối tháng.
  • Giá trị khấu hao tháng cuối cùng = Nguyên giá TSCĐ – Khấu hao luỹ kế tính đến tháng trước đó

Ví dụ:

Ngày 18/03/2021, Doanh nghiệp mua một bộ máy tính trị giá 45 triệu (bao gồm chi phí vẫn chuyển và lắp đặt) và đưa vào khấu hao trong 5 năm. Khi đó:

  • Giá trị khấu hao hàng năm = 45.000.000 / 5 = 9.000.000 đ
  • Giá trị khấu hao trung bình tháng = 9.000.000 / 12 = 750.000đ/tháng
  • Giá trị khấu hao ở tháng 03/2021 = (750.000/31) x 14 = 339.710đ

Trường hợp TSCĐ nâng cấp làm thay đổi nguyên giá và thời gian khấu hao thì cần tính lại:

  • Giá trị khấu hao hàng năm (còn lại) = (Nguyên giá TSCĐ mới – Khấu hao luỹ kế tính đến trước thời điểm nâng cấp) / Số năm còn lại.
  • Giá trị khấu hao trung bình tháng (còn lại) = Giá trị khấu hao hàng năm (còn lại) / 12 tháng.

*Trong các trường hợp phức tạp, có thể quy ra số tháng khấu hao còn lại để tính toán dễ dàng hơn.

Ví dụ:

Ngày 26/6/2022, Doanh nghiệp thực hiện nâng cấp bộ máy tính trên với tổng chi phí là 12 triệu, thời gian khấu hao tăng lên là 7 năm. Khi đó:

Giai đoạn

Số tháng

khấu hao

Số tháng

còn lại

Nguyên giá

Khấu hao

bình quân tháng

Khấu hao

trong kỳ

Khấu hao

luỹ kế

18/03/2021 - 31/03/2021 0.45 59 45.000.000 750.000 339.710 339.710
01/04/2021 - 30/05/2022 13 46 45.000.000 750.000 9.750.000 10.089.710

Tháng 6, chi phí nâng cấp làm thay đổi:

  • Nguyên giá TSCĐ = 45.000.000 + 12.000.000 = 57.000.000 đ
  • Thời gian khấu hao còn lại = 46 + 2 x 12 = 70 tháng
  • Khấu hao bình quân tháng = (57.000.000 – 10.089.710) / 70 = 670.147 đ/tháng
01/06/2021 - 25/06/2022 0.83 69 45.000.000 750.000 625.000 10.739.710
26/06/2022 - 30/06/2022 0.17 69 57.000.000 670.147 113.925 10.853.635
1/7/2022 - 31/3/2028 68 1 57.000.000 670.147 45.569.996 56.423.631
Tháng 04/2028 1 0 57.000.000 670.147 576.369 57.000.000

Khấu hao theo phương pháp số dư giảm dần có điều chỉnh

Áp dụng cho các Doanh nghiệp thuộc lĩnh vực có công nghệ phải thay đổi, phát triển nhanh. TSCĐ áp dụng phương pháp này là TSCĐ mới (chưa qua sử dụng) và là máy móc, thiết bị; dụng cụ phục vụ cho việc đo lường, thí nghiệm.

Mức trích khấu hao hàng năm = Giá trị còn lại x Tỷ lệ khấu hao nhanh

Trong đó:

  • Tỷ lệ khấu hao nhanh = Tỷ lệ khấu hao x Hệ số điều chỉnh
  • Tỷ lệ khấu hao = 1 / Thời gian trích khấu hao
  • Hệ số điều chỉnh là 1,5 với TSCĐ có thời gian trích khấu hao dưới 4 năm, 2 với TSCĐ có thời gian trích khấu hao trên 4 năm.
Khi mức khấu hao hàng năm < mức khấu hao trung bình theo PP đường thẳng thì tính theo PP đường thẳng cho gía trị còn lại.

Ví dụ:

Tháng 1/2021, Doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất với tổng chi phí là 560 triệu đồng và đưa vào sản xuất, khấu hao trong 8 năm theo phương pháp số dư gỉảm dần. Quá trình khấu hao thực hiện như sau:

  • Tỷ lệ khấu hao = 1 / 8 = 12.5%
  • Tỷ lệ khấu hao nhanh = 12.5% x 2 = 25%
Số năm còn lại Giá trị còn lại đầu năm Mức trích khấu hao năm Mức trích khấu hao tháng

Mức trích khấu hao trung bình

theo PP đường thẳng

Giá trị còn lại cuối năm
[1] [2] [3] = [2] x 25% [4] = [3]/12 [5] = [2]/[1] [6] = [2] - [3]
8 560.000.000 140.000.000 11.666.667 70.000.000 420.000.000
7 420.000.000 105.000.000 8.750.000 60.000.000 315.000.000
6 315.000.000 78.750.000 6.562.500 52.500.000 236.250.000
5 236.250.000 59.062.500 4.921.875 47.250.000 177.187.500
4 177.187.500 44.296.875 3.691.406 44.296.875 132.890.625
Đến đầu năm thứ 6, mức khấu hao hàng năm < mức khấu hao trung bình theo PP đường thẳng nên bắt đầu tính theo PP đường thẳng
[1] [2] [3] [4] = [5]/12 [5] [6] = [2] - [5]
3 132.890.625 - 3.691.406 44.296.875 88.593.750
2 88.593.750 - 3.691.406 44.296.875 44.296.875
1 44.296.875 - 3.691.406 44.296.875 -

Khấu hao theo phương pháp số lượng, khối lượng sản phẩm

Áp dụng cho các loại máy móc, thiết bị phục vụ trực tiếp cho sản xuất và thoả mãn được các điều kiện:

  • Xác định được tổng số lượng, khối lượng sản phẩm sản xuất được khi sử dụng 100% công suất thiết kế
  • Công suất sử dụng thực tế bình quân tháng trong năm không thấp hơn 100% công suất thiết kế.
Mức trích khấu hao tháng (năm) = Số lượng SP sản xuất thực tế trong tháng (năm) x Mức khấu hao bình quân của 1 đơn vị SP

Trong đó:

  • Mức trích khấu hao bình quân của 1 đơn vị SP = Nguyên giá TSCĐ / Sản lượng theo công suất thiết kế.

Ví dụ:

Tháng 1/2021, Doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất với tổng chi phí là 560 triệu đồng và đưa vào sản xuất, khấu hao trong 8 năm theo phương pháp số lượng, khối lượng sản phẩm. Quá trình khấu hao thực hiện như sau:

  • Sản lượng theo công suất thiết kế là 112.000.000 sản phẩm
  • Mức trích khấu hao bình quân trên 1 đơn vị sp = 560.0000.000 / 112.000.000 = 5 đ/sp

Mức trích khấu hao của năm 2021 được tính như sau:

Tháng Số lượng sp sản xuất trong tháng (sp) Mức trích khấu hao trong tháng
1 234.900 1.174.500
2 147.529 737.645
3 320.032 1.600.160
4 164.532 822.660
5 249.730 1.248.650
6 273.500 1.367.500
7 343.992 1.719.960
8 95.389 476.945
9 165.399 826.995
10 200.393 1.001.965
11 153.782 768.910
12 237.812 1.189.060
Tổng 2.586.990 12.934.950

Doanh nghiệp tự quyết định thời gian khấu hao cùng phương pháp khấu hao và thông báo cho cơ quan thuế quản lý. Đồng thời thực hiện nhất quán trong suất thời gian khấu hao.

Hạch toán khấu hao TSCĐ

Sau khi ghi tăng TSCĐ, kế toán cần xác định TSCĐ này phục vụ cho mục đích gì và do bộ phận nào quản lý để trích khấu hao cho phù hợp.

Với TSCĐ phục vụ kinh doanh hoặc quản lý doanh nghiệp:

  • Ghi nợ TK 641, TK 642
    • Ghi có TK 214

Với TSCĐ phục vụ trực tiếp cho sản xuất sản phẩm

  • Ghi nợ TK 623, TK 627 (TT200)
  • Ghi nợ TK 154 (TT133)
    • Ghi có TK 214

Cuối năm, kế toán kiểm tra và đối chiếu số dư TK 214 với Giá trị khấu hao luỹ kế cuối năm trên sổ sách để đảm bảo thực hiện khấu hao đúng và theo nguyên tắc liên tục./.

Xem tiếp: Nghiệp vụ ghi giảm, thanh lý TSCĐ

 

 

 

Điện thoại hỗ trợ

 

(028) 3848 9975 - Tp. HCM

 

(024) 2324 3668 - Tp. Hà Nội

 

(07:30 - 12:00 và 13:00 - 17:00)

 
 

 

 

 

Email hỗ trợ

 

support1a@ttsoft.com.vn

 

 

Phần mềm hỗ trợ

 

Teamviewer QS

Ultraviewer Portable

 

 

Logo phần mềm kế toán 1A - Footer

Phần mềm kế toán 1A là thương hiệu đã được đăng ký và thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Thủy Thiên (TTSOFT)

 

© Copyright 2004 - 2022 by TTSOFT. All rights reserved.
DMCA.com Protection Status

Công ty cổ phần Thủy Thiên (TTSOFT)

  • Địa chỉ: 12/17 Đào Duy Anh, P9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM
  • Điện thoại: (028) 3848 9975 - Fax: (028) 3848 9976
  • Email: contact@ttsoft.com.vn
  • Website: www.ketoan1a.com

Hotline hỗ trợ tại Hà Nội

Tel: (024) 2324 3668

 

Hotline hỗ trợ tại TPHCM

Tel: (028) 3848 9975

 

(07:30 - 12:00 và 13:00 - 17:00)