7 quan điểm sai lầm dẫn tới sai sót liên quan đến việc tính khấu hao tài sản cố định trong doanh nghiệp
Ngày 09/06/2020
Chi phí khấu hao tài sản cố định (TSCĐ) là một phần chi phí lớn, đặc biệt trong các doanh nghiệp sản xuất có sử dụng nhiều máy móc thiết bị, nhà xưởng, … Chính vì vậy nên nó ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh và cũng như thuế thu nhập doanh nghiệp. Mình xin liệt kê một số tình huống cụ thể, và hướng tới cách ghi đúng, cũng như hướng dẫn cách thao tác trên phần mềm Kế toán 1A đối với từng trường hợp.
Trường hợp 1. Khi mua TSCĐ mà đang phải chạy thử, lắp đặt nhưng lại ghi luôn vào nợ 211, tuy là vẫn chưa trích khấu hao.
Như vậy là sai quy định và vô hình trung làm cho số phát sinh trên sổ 211 khác với các báo cáo tính khấu hao TSCĐ. Cách ghi đúng là ghi nợ Tài khoản 241. Các chi phí lắp đặt, chạy thử trang bị thêm cũng đưa vào Tài khoản 241. Khi nào bắt đầu sử dụng và tính khấu hao thì mới ghi nợ Tài khoản 211 – có Tài khoản 241.
Hãy thao tác trên phần mềm kế toán 1A như sau:
- Sau khi tập hợp vào 241 và bắt đầu tính khấu hao thì vào Thẻ TSCĐ > bấm nút Ghi tăng, chọn nghiệp vụ ghi tăng, và nhập các thông tin khác.
- Sau khi ghi sổ thì phần mềm tự động ghi nợ Tài khoản 211 – có Tài khoản 241 và tự động trích khấu hao từ ngày biên bản ghi tăng này.
Trường hợp 2. Mua tài sản cố định và đã ghi nợ Tài khoản 211 ở tháng này nhưng tháng sau mới trích khấu hao cho tròn tháng, hoặc tương tự mua giữa tháng nhưng trích khấu hao từ đầu kỳ.
Đây là sai sót vì theo quy định là khi ghi tăng phải tính khấu hao luôn từ ngày ghi tăng. Cách xử lý tương tự như trường hợp thứ nhất.
Trường hợp 3. Mua tài sản cố định đã đưa vào sử dụng nhưng chưa muốn trích khấu hao do lúc đầu mới hoạt động chi phí đang nhiều, để những kỳ sau hoặc thậm chí năm sau mới trích…
Trường hợp này mình cũng rất hay gặp do quan niệm cảm tính và sinh ra nhiều sai sót như khấu hao không đúng thời điểm ghi tăng. Quan trọng nhất là vi phạm trong việc quyết toán thuế, do nó làm giảm thu nhập tính thuế của năm sau, giống như bạn để dành chi phí vậy!
Cách xử lý đúng về mặt hạch toán thì vẫn tương tự như trường hợp thứ nhất, nhưng sau này bạn phải giải trình với cơ quan thuế khi quyết toán và có thể chi phí đó sẽ bị loại trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trường hợp 4. Mua TSCĐ về không trải qua lắp đặt chạy thử nhưng lại chưa trích khấu hao với lý do là chưa sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Điều này cũng sai so với quy định trong Thông tư 45/2013/TT-BTC đấy.
Trường hợp 5. Trong thời gian ngưng hoạt động sản xuất thời vụ hoặc nguyên nhân khác thì ngưng khấu hao.
Rất nhiều trường hợp có quan điểm tương tự thế này, trên thực tế các bạn vẫn phải tính khấu hao và khi tính khấu hao thì bạn đưa chi phí vào tài khoản chi phí quản lý khác nhé.
Trên phần mềm Kế toán 1A, để phân bổ vào tài khoản chi phí quản lý khác thì bạn mở Thẻ tài sản và bấm vào nút Phân bổ KH để thiết lập tài khoản chi phí khấu hao mới cho kỳ mới, khi trở lại sản xuất thì lại thiết lập lại tài khoản khấu hao mới tương ứng.
Trường hợp 6. Phát hiện Tài sản trích thiếu khấu hao năm trước, kế toán không điều chỉnh vào năm trước mà điều chỉnh vào năm hiện hành.
Sai sót này có thể dẫn đến việc cơ quan Thuế loại trừ chi phí khấu hao năm trước hạch toán trong năm nay của công ty với lý do chi phí không đúng kỳ.
Trường hợp 7. Gộp mã TSCĐ khi ghi tăng, ví dụ như bạn mua 3 cái máy sản xuất với quy cách chức năng như nhau, nhưng bạn ghi chung vào 1 mã.
Việc ghi như vậy sẽ dẫn đến sai sót và khó xử lý khi sau đó có sửa chữa, điều chỉnh hay thanh lý một máy nào đó.
Một số trường hợp khác dẫn đến khấu hao sai như: Khấu hao sai khung thời gian theo quy định hiện hành, TSCĐ khấu hao hết nhưng vẫn tính khấu hao, thường do các bạn làm bên excel …
Trên đây là một số quan điểm mình hay bắt gặp khi hỗ trợ và trao đổi với người dùng phần mềm Kế toán 1A, nên muốn tổng hợp và chia sẻ với các bạn, hy vọng sẽ có ích với mọi người.
LV.Thao