Các chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2018
Ngày 01/08/2018
Cấm ngân hàng mua trái phiếu để cơ cấu nợ cho doanh nghiệp, chế độ ưu tiên Luồng Xanh trong cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, 3 điều kiện với thương nhân kinh doanh mua bán khí, ... là những chính sách mới sẽ có hiệu lực trong tháng 8 năm 2018.
Bỏ quy định trẻ dưới 5 tuổi không được học trường quốc tế
Ngày 06/06/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, có hiệu lực từ ngày 01/08/2018.
Nghị định này đã bỏ quy định học sinh Việt Nam dưới 05 tuổi không được học các chương trình đào tạo nước ngoài trước đây.
Thay vào đó, Nghị định này chỉ yêu cầu số học sinh Việt Nam học chương trình giáo dục của nước ngoài phải thấp hơn 50% tổng số học sinh.
Cũng theo Nghị định này, thời hạn hoạt động của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không quá 50 năm, tính từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng không dài hơn thời hạn thuê đất.
Trong khi đó, thời hạn hoạt động của liên kết đào tạo, liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài không quá 05 năm, kể từ ngày phê duyệt và có thể được gia hạn, mỗi lần gia hạn không quá 05 năm và không quá thời hạn thỏa thuận hoặc hợp đồng hợp tác giữa các bên liên kết.
Cấm ngân hàng mua trái phiếu để cơ cấu nợ cho doanh nghiệp
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 15/2018/TT-NHNN ngày 18/06/2018 sửa đổi, bổ sung Thông tư 22/2016/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 2/8/2018..
Đáng chú ý, Thông tư quy định các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp. Đồng thời, bãi bỏ quy định về các loại trái phiếu doanh nghiệp được mua.
Cũng theo Thông tư này, quy định nội bộ về mua trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có thêm tối thiểu các nội dung sau:
- Quy định kiểm soát nội bộ hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu phát hành với mục đích thực hiện các dự án, dự án thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…;
- Quy định cụ thể về các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và chính sách tín dụng đầu tư vào các lĩnh vực này.
Chế độ ưu tiên Luồng Xanh trong cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Thông tư 15/2018/TT-BCT về việc phân luồng trong quy trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi đã được Bộ Công Thương ban hành ngày 29/06/2018, có hiệu lực từ ngày 15/08/2018.
Chế độ ưu tiên Luồng Xanh trong quy trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi áp dụng với thương nhân là doanh nghiệp xuất khẩu uy tín hoặc được Bộ Tài chính công nhận là doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan.
Chế độ Luồng Xanh cũng được áp dụng đối với thương nhân đáp ứng các điều kiện sau đây: Không vi phạm quy định về xuất xứ trong 2 năm gần nhất trước thời điểm đề nghị xét duyệt chế độ Luồng Xanh; Có hệ thống lưu trữ hồ sơ (hồ sơ giấy và điện tử) đầy đủ đảm bảo chứng minh tính xác thực của C/O và xuất xứ hàng hóa trong thời hạn lưu trữ; Thực hiện quy trình khai báo C/O điện tử qua www.ecosys.gov.vn và có tần suất đề nghị cấp ít nhất 30 bộ C/O ưu đãi/năm.
3 điều kiện với thương nhân kinh doanh mua bán khí
Theo Nghị định 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí được Chính phủ ban hành ngày 15/06/2018, có hiệu lực từ ngày 01/08/2018, thương nhân kinh doanh mua bán khí phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Là thương nhân được thành lập theo quy định của pháp luật;
- Có bồn chứa khí đáp ứng các quy định về an toàn hoặc có chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) đáp ứng đủ điều kiện lưu thông trên thị trường hoặc có hợp đồng thuê bồn, thuê chai LPG.
- Đáp ứng các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy theo quy định.
Riêng thương nhân kinh doanh mua bán khí qua đường ống còn phải có đường ống vận chuyển khí và trạm cấp khí đáp ứng các điều kiện về an toàn, phòng cháy và chữa cháy.
Đối với thương nhân kinh doanh mua bán khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), ngoài 03 điều kiện nêu trên, trạm cấp LNG và trạm nạp LNG vào phương tiện vận tải còn phải đáp ứng điều kiện về an toàn, phòng cháy và chữa cháy.
Biểu phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường
Ngày 25/06/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 56/2018/TT-BTC quy định mức thu, chế độ, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường do cơ quan Trung ương thực hiện thẩm định có hiệu lực từ ngày 10/8/2018..
Biểu mức thu phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được quy định tùy mức vốn đầu tư. Cụ thể:
- Với dự án công trình dân dụng: Từ 08 - 84 triệu đồng;Với dự án hạ tầng kỹ thuật: Từ 8,6 - 86 triệu đồng;Với dự án nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi: Từ 8,8 - 88 triệu đồng; Với dự án giao thông: Từ 9,2 - 92 triệu đồng; Với dự án công nghiệp: Từ 9,6 - 96 triệu đồng. Với dự án xử lý chất thải và cải thiện môi trường và các dự án khác: Từ 6 - 61 triệu đồng.
Tổ chức thu phí nộp 100% tiền phí thu được vào ngân sách Nhà nước.
Điều chỉnh mức trợ cấp với cán bộ xã đã nghỉ việc
Theo Thông tư 08/2018/TT-BNV của Bộ Nội vụ, từ 01/07/2018, điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng với cán bộ xã già yếu nghỉ việc.
Cụ thể, mức trợ cấp hàng tháng từ 01/07/2018 của đối tượng nêu trên = Mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 6/2018 x 1,0692.
Như vậy, mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã là 1.974.000 đồng/tháng; đối với Phó bí thư, Phó Chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên thư ký UBND, Thư ký Hội đồng nhân dân xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã: 1.910.000 đồng/tháng.
Các chức danh còn lại được hưởng trợ cấp 1.768.000 đồng/tháng.
Thông tư này ban hành ngày 28/06/2018, có hiệu lực từ ngày 15/8/2018.
Liên kết trong sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ đến 10 tỷ
Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Theo Nghị định này, dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được hỗ trợ như sau:
- Hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết (nhà xưởng, bến bãi …). Tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng.
- Hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, tối đa không quá 300 triệu đồng.
- Hỗ trợ 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi.
Để được hưởng ưu đãi, các bên liên kết phải đảm bảo một số điều kiện như: Phù hợp với quy hoạch; Có Giấy chứng nhận hoặc cam kết bảo đảm chất lương sản phẩm, an toàn thực phẩm; Thời gian liên kết tối thiểu 03 năm hoặc 05 năm.
Nghị định này ban hành ngày 5/7/2018, có hiệu lực từ ngày 20/8/2018.
Tăng mức trợ cấp cho người có công
Ngày 12/7/2018, Chính phủ đã ra Nghị định 99/2018/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với Cách mạng có hiệu lực từ ngày 27/8/2018..
Theo đó, từ 1/7/2018, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với Cách mạng là 1.515.000 đồng; thay cho mức 1.417.000 đồng trước đây.
Như vậy, mức trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 01 liệt sĩ là 1.515.000 đồng; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến là 1.270.000 đồng; bệnh binh được hưởng trợ cấp từ 1.581.000 - 3.859.000 đồng, tùy mức suy giảm khả năng lao động; riêng bệnh binh bị suy giảm từ 81% trở lên còn được hưởng thêm mức phụ cấp từ 760.000 - 1.515.000 đồng/tháng.
Nguồn: Nhịp sống Kinh tế