Xây dựng lộ trình áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế vào Việt Nam
Ngày 25/02/2019
Ngày 22/2/2019, tại Hà Nội, Bộ Tài chính phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo “Thực trạng, kinh nghiệm quốc tế và lộ trình áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) tại Việt Nam”. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn tới dự và phát biểu chỉ đạo.
Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm áp dụng IFRS tại Nhật Bản; thông tin kết quả khảo sát trong nghiên cứu của JICA đối với việc áp dụng IFRS tại Việt Nam; đánh giá thực trạng, khả năng áp dụng IFRS của các doanh nghiệp Việt Nam; giới thiệu về lộ trình, phương pháp áp dụng IFRS cũng như dự kiến sửa đổi Chuẩn mực kế toán Việt Nam theo định hướng IFRS tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh tới yêu cầu cấp thiết phải áp dụng IFRS tại Việt Nam. Điều này xuất phát từ nhu cầu của Chính phủ khi đặt ra yêu cầu đưa Việt Nam phát triển bền vững, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh.
Trong đó, để phát triển bền vững thì nhu cầu từng bước chuẩn mực báo cáo tài chính là cần thiết để tạo ra môi trường minh bạch thu hút vốn, với quan điểm khu vực tư nhân là động lực phát triển cho kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, xuất phát từ nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam là nước có độ mở nền kinh tế cao, trong đó các hiệp định đều có quy định khuyến khích tự do thương mại, khuyến khích các dòng vốn đầu tư, nhất là từ khu vực tư nhân. Vì vậy, Việt Nam cần thiết phải thực hiện chuẩn mực về báo cáo tài chính.
Thứ trưởng khẳng định, IFRS là một công cụ rất quan trọng. IFRS có thể giúp rất nhiều trong việc hỗ trợ các nhà đầu tư có thông tin chính xác hơn về tài chính và có thể huy động được các nguồn vốn mang tính chất toàn cầu, đồng thời IFRS cũng là một công cụ tạo nên ảnh hưởng to lớn cho các hoạt động kinh tế của tất cả các DN trong các quốc gia áp dụng IFRS, tùy thuộc vào việc áp dụng nó như thế nào.
Ông Konaka Tesuo, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam cho biết, IFRS là một công cụ tài chính quan trọng, hỗ trợ nhà đầu tư có các thông tin chính xác hơn về tài chính, mặt khác có thể huy động được các nguồn lực tài chính toàn cầu. IFRS cũng là công cụ tạo ra ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế của doanh nghiệp tại các nước áp dụng IFRS. Việc áp dụng IFRS như thế nào và tác động ra sao, mỗi nước khi áp dụng IFRS đều có sự cân nhắc kỹ lưỡng.
Đối với Việt Nam, trong một năm qua JICA đã tiến hành khảo sát điều tra nhằm hỗ trợ những thông tin hữu ích, chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản và các nước châu Á có sử dụng IFRS trong quá trình Bộ Tài chính đang cân nhắc xây dựng lộ trình IFRS phù hợp nhất.
Theo lãnh đạo Cục Chế độ Kế toán và Kiểm toán (Bộ Tài chính), việc áp dụng IFRS sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực như chất lượng báo cáo tài chính của doanh nghiệp được cải thiện một cách rõ rệt thông qua việc nâng cao trách nhiệm giải trình, tăng cường tính minh bạch và khả năng so sánh... Điều này giúp báo cáo tài chính của doanh nghiệp Việt Nam có thể so sánh được với các doanh nghiệp khác trên thế giới.
Tham luận tại hội thảo, đề cập tới các khó khăn, thách thức của việc áp dụng IFRS tại Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là do thị trường vốn, thị trường tài chính của Việt Nam phát triển chưa đủ mạnh, một số công cụ tài chính như trái phiếu chuyển đổi, công cụ phái sinh, cổ phiếu ưu đãi chưa được giao dịch rộng rãi nên hầu hết các doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm trong việc thực hiện giao dịch và hạch toán các nội dung kinh tế liên quan.
Điều này dẫn tới việc doanh nghiệp khó có thể cung cấp thông tin về giá trị tài chính hợp lý một cách đáng tin cậy. Đặc biệt, do IFRS yêu cầu một số kỹ thuật phức tạp và thực hiện một số đánh giá mang tính chủ quan như việc thực hiện các ước tính về giá trị hợp lý khi không có giá niêm yết trên thị trường, xác định giá trị hiện tại của dòng tiền tương lai…, nên nếu không có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng thì doanh nghiệp Việt Nam khó có thể áp dụng IFRS thành công./.
Nguồn: Thời báo tài chính Việt Nam