Chính thức cho phép ngân hàng yếu kém phá sản
Ngày 21/11/2017
Với tỷ lệ 88,8% tán thành chiều 20/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi. Theo đó, luật lần này đã bổ sung phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, gồm phương án phục hồi; sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, chuyển giao bắt buộc... các ngân hàng quá yếu sẽ được phá sản.
Luật sửa đổi có hiệu lực từ 15/1/2018. Tuy nhiên các ngân hàng đã được kiểm soát đặc biệt, đang thực hiện phương án xử lý và nhà băng đã được mua lại giá 0 đồng trước đây, vẫn tiếp tục thực hiện theo phương án đã được phê duyệt.
Trước đó, trả lời chất vấn Quốc hội ngày 17/11 về vấn đề cho phá sản ngân hàng, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, trong bất cứ trường hợp nào, các phương án xử lý các tổ chức tín dụng đều phải đặt mục tiêu đầu tiên an toàn hệ thống, củng cố lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và không để gây đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát. "Như vậy, quan điểm mục tiêu xuyên suốt trong chỉ đạo của Đảng, nhà nước phải đảm bảo quyền và lợi ích người gửi tiền", ông nói.
Báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật sửa đổi trước đó, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, qua thảo luận ở tổ và hội trường một số ý kiến đề nghị cần quy định Nhà nước phải thực hiện vai trò người mua cuối cùng với ngân hàng yếu kém bị kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên, qua thẩm tra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy dự thảo Luật đã bổ sung phương án chuyển giao bắt buộc và quy định một số biện pháp hỗ trợ khi thực hiện phương án này. Thực chất những phương án này là cho tổ chức tín dụng thêm cơ hội để phục hồi.
"Trường hợp không thể thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc thì thực lực của số ngân hàng yếu kém đã quá 'yếu', nếu Nhà nước mua lại cũng sẽ tạo gánh nặng và rủi ro, không phù hợp với quy luật của thị trường", ông Thanh cho biết.
Trước ý kiến cho rằng quy định giao Chính phủ thẩm quyền xử lý trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt là không phù hợp bởi có thể quá trình sẽ kéo dài, phức tạp..., Thường vụ Quốc hội cho rằng, đa số các trường hợp xử lý nhà băng bị kiểm soát đặt biệt đều thuộc thẩm quyền của Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước.
"Việc thực hiện phương án phá sản, giải thể, chuyển giao bắt buộc ngân hàng được kiểm soát đặc biệt có khả năng gây ảnh hưởng và tác động lớn đến an toàn hệ thống, trật tự an toàn xã hội, do vậy cần giao thẩm quyền quyết định chủ trương áp dụng và phê duyệt cho Chính phủ để quá trình xem xét, quyết định cẩn trọng, cân nhắc toàn diện", cơ quan thường trực của Quốc hội nêu quan điểm.
Cơ quan này cũng cho rằng, mục đích quan trọng nhất của hỗ trợ cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém là nhằm ổn định, không để đổ vỡ hệ thống. Do đó, không nhất thiết đặt ra yêu cầu tính toán trả lại chi phí vốn đã hỗ trợ cho các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt sau 5-7 năm như nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội nêu trước đó.
Nguồn: vnexpress.com