BHXH Việt Nam trả lời trực tiếp về các chính sách về BHXH và BHYT
Ngày 4/7/2016
Ngày 1-7-2016, BHXH Việt Nam đã tổ chức giao lưu trực tuyến để giải đáp thắc mắc về chính sách BHYT cho người dân, người lao động và doanh nghiệp. Lần này, BHXH Việt Nam đã giải đáp hơn 58 câu hỏi về chính sách bảo hiểm, trường hợp đóng bảo hiểm khi công tác ở nhiều công ty, KCB BHYT tạm trú, ....
Hiện nay, tại Việt Nam có bao nhiêu loại hình bảo hiểm y tế?
Hiện nay ở Việt Nam có 2 loại hình bảo hiểm y tế:
- Bảo hiểm y tế xã hội, mang tính xã hội không vì mục đích lợi nhuận và được Nhà nước tổ chức thực hiện theo Luật Bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12 ngày 14/11/2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế số 46/2014/QH13 ngày 13/6/2014. Mọi người dân phải bắt buộc tham gia BHYT theo Luật BHYT.
- 2. Bảo hiểm y tế thương mại, mang tính kinh doanh, hoạt động có lợi nhuận theo Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 09/12/2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm số 61/2010/QH12 ngày 24/11/2010. Hiện tại có nhiều doanh nghiệp Bảo hiểm trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài triển khai loại hình BHYT này.
Các hành vi nào bị nghiêm cấm về BHYT?
Các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT gồm có:
- Không đóng hoặc đóng BHYT không đầy đủ theo quy định của Luật BHYT.
- Gian lận, giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT.
- Sử dụng tiền đóng BHYT, quỹ BHYT sai mục đích.
- Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia BHYT và của các bên liên quan đến BHYT.
- Cố ý báo cáo sai sự thật, cung cấp sai lệch thông tin, số liệu về BHYT.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, chuyên môn, nghiệp vụ để làm trái với quy định của pháp luật về BHYT.
(Điều 11 Luật BHYT)
Thủ tục KCB BHYT đối với trường hợp đi công tác, học tập, làm việc lưu động hoặc tạm trú dưới 12 tháng tại địa phương khác.
Người tham gia BHYT đang đi công tác, học tập, làm việc lưu động hoặc tạm trú dưới 12 tháng tại địa phương khác phải xuất trình thẻ BHYT và một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó hoặc giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT do tổ chức Bảo hiểm xã hội cấp cùng một trong các giấy tờ sau đây (bản chính hoặc bản sao):
- Giấy cử đi công tác;
- Quyết định cử đi học;
- Giấy tờ chứng minh đãng ký tạm trú.
Được khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở KCB tương đương tuyến cơ sở KCB ghi trên thẻ BHYT, trường hợp tại nơi cư trú, công tác không có cơ sở KCB nêu trên thì được khám, chữa bệnh tại cơ sở KCB thuận lợi nhất.
(Khoản 8, Điều 8 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC)
Song song làm 2 công ty thì phải đóng bảo hiểm thế nào, thủ tục ra sao? Đang đóng BHXH, BHYT tại công ty A, công ty yêu cầu sổ BHXH thì cần làm thủ tục gì? Công ty A yêu cầu có giấy xác nhận đã đóng BH tại công ty B mới cho rút sổ, nhưng đang đóng tại A thì sao B có thể đóng mà đưa giấy xác nhận cho A được.
Căn cứ quy định tại Nghị định số 44/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ, trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp, BHYT của người sử dụng lao động và người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp, BHYT như sau:
1. Trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp
a) Người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp.
b) Khi hợp đồng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động đang tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp chấm dứt hoặc thay đổi mà người lao động và người sử dụng lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp thì người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp của hợp đồng lao động kế tiếp có trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
2. Trách nhiệm tham gia BHYT:
a) Người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất có trách nhiệm tham gia BHYT theo quy định của pháp luật về BHYT.
b) Khi hợp đồng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động đang tham gia BHYT bắt buộc chấm dứt hoặc thay đổi mà người lao động và người sử dụng lao động không thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc thì người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc của hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất trong số các hợp đồng còn lại có trách nhiệm tham gia BHYT theo quy định của pháp luật.
3. Việc thay đổi trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp, BHYT bắt buộc theo quy định trên được quy định như sau:
a) Người lao động và người sử dụng lao động có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung nội dung về BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp, BHYT bắt buộc trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật;
b) Người lao động có trách nhiệm thông báo và gửi sổ BHXH, thẻ BHYT và các giấy tờ liên quan khác cho người sử dụng lao động của hợp đồng lao động kế tiếp để thực hiện.
4. Người lao động có trách nhiệm thông báo và gửi kèm các bản sao hợp đồng lao động đã giao kết hoặc đã sửa đổi, bổ sung hoặc đã chấm dứt cho người sử dụng lao động còn lại biết.
Căn cứ quy định tại Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 09/9/2015 của BHXH Việt Nam, khi có sự thay đổi về trách nhiệm, mức đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT như trên, bạn lập Tờ khai theo mẫu TK1-TS ban hành kèm theo Quyết định số 959/QĐ-BHXH gửi những người sử dụng lao động đang đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT để lập hồ sơ gửi cơ quan BHXH để xác định mức đóng, trách nhiệm đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT và cấp sổ BHXH, thẻ BHYT theo quy định.
Tháng 2/2016 công ty tôi có ký HĐLĐ với 1 người lao động và tham gia đóng BH cho người đó luôn. Nhưng do là tháng nghỉ tết và phải chờ dữ liệu nên ngày 25/02 công ty tôi mới chuyển chứng từ đi và đến 08/03 công ty tôi nhận được thẻ BHYT của người lao động. Ngày 19/2 người lao động bị tai nạn giao thông trên đường về nhà và được xác nhận là tai nạn lao động (không suy giảm khả năng lao động). Nằm viện đến ngày 29/2 thì xuất viện. Do chưa có thẻ BHYT nên người lao động phải thanh toán 100% viện phí. Trong thời gian người lao động nghỉ điều trị công ty tôi vẫn trả lương bình thường. Vậy cho tôi hỏi, công ty tôi có phải thanh toán tiền viện phí mà người lao động đã thanh toán hay không? Nếu có thì mức thanh toán là bao nhiêu %? Trong trường hợp này công ty tôi có thể làm hồ sơ gửi BH đề nghị thanh toán không?
Căn cứ quy định tại Điều 16 Luật BHYT nêu rõ thẻ BHYT của đối tượng người lao động có giá trị sử dụng kể từ ngày đóng BHYT. Theo đó, ngày 25/02 công ty của Bà mới chuyển danh sách lao động tham gia BHXH và BHYT và đến ngày 08/03 thì nhận được thẻ BHYT.
Theo Tiết b Điểm 1.1 Khoản 1 Điều 47 Quyết định 959/QĐ-BHXH ngày 09/9/2015 của BHXH Việt Nam nêu rõ: thời hạn sử dụng trên thẻ BHYT của đối tượng người lao động được tính từ ngày đầu tiên của tháng đóng BHYT đến ngày 31/12 trong năm. Như vậy:
-Trường hợp công ty đóng BHYT cho người lao động vào ngày 25/02 thì thẻ BHYT của người lao động có thời hạn sử dụng bắt đầu từ ngày 01/02, khi đó, người lao động sẽ làm thủ tục thanh toán trực tiếp chi phí KCB với cơ quan BHXH;
-Trường hợp công ty đóng BHYT cho người lao động sau ngày 01/03 thì thẻ BHYT của người lao động có thời hạn sử dụng bắt đầu từ ngày 01/03, khi đó công ty phải thanh toán toàn bộ chi phí trong phạm vi, quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người đó đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ (căn cứ Điểm b Khoản 3 Điều 49 Luật BHYT).
Đóng bảo hiểm 1 lần cho người đủ tuổi nghỉ hưu để hưởng chế độ BHXH theo thông tư 01/2016.
Căn cứ quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH và BHXH tự nguyện; Khoản 2 Điều 8 Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18/02/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, trường hợp đủ 60 tuổi có 16 năm đóng BHXH thì được đóng BHXH tự nguyện một lần thời gian còn thiếu cho đủ 20 năm để hưởng chế độ hưu trí.
Xem thêm các câu hỏi khác tại Website Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam.