Giải đáp về chế độ bảo hiểm xã hội, y tế của BHXH Việt Nam
Ngày 07/11/2016
Ngày 3/11/2016 vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có buổi giao lưu và giải đáp thắc mắc trực truyến về các chính sách Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế trên website. Qua buổi giao lưu này, BHXH Việt Nam đã giải đáp nhiều thắc mắc của doanh nghiệp và người lao động như chế độ bảo hiểm y tế, thủ tục thay đổi thông tin trên thẻ BHXH, chế độ thai sản, chế độ đóng BHXH 5 năm liên tục,...
Câu hỏi
Trong trường hợp tôi đóng BH theo diện công ty thuê lao động (công ty đóng 1 ít và người lao động đóng 1 ít). Tôi đã đóng BH được 5 năm, sau đó tôi nghỉ việc 6 tháng, và sau đó đi làm lại và tiếp tục đóng bảo hiểm trong vòng 6 tháng thì tôi sinh em bé.
Vậy trong trường hợp này tôi có được hưởng các chế độ bảo hiểm không? (vd: khám định kỳ, khi sinh có được dùng BHYT, và có được BHXH chi trả 6 tháng lương cơ bản như những người đóng liên tục không)?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 30, Điều 31 Luật BHXH năm 2014, lao động nữ tham gia BHXH bắt buộc được hưởng chế độ thai sản khi mang thai, sinh con, đặt vòng tránh thai,… Riêng đối với trường hợp sinh con, nhận nuôi con nuôi phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong khoảng thời gian 12 tháng trước khi sinh con, nhận nuôi con nuôi.
Trường hợp của Bạn, nếu Bạn đang tham gia BHXH bắt buộc thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi đi khám thai. Khi bạn sinh con, nếu bạn đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì được hưởng chế độ thai sản. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh là 06 tháng; mức hưởng 01 tháng bằng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Về chế độ BHYT, theo quy định của Luật BHYT nếu bạn tham gia BHYT thì được thanh toán theo phạm vi, quyền lợi và mức hưởng ghi trên thẻ BHYT.
Câu hỏi
Công ty em là Công ty sản xuất, bắt buộc tất cả những người lao động đều phải tham gia BHXH.
Có một số trường hợp em chưa rõ, đó là những người trong độ tuổi lao động nhưng đang hưởng chế độ hưu trí (đối tượng nghỉ hưu trước tuổi) xin vào làm việc tại Công ty. Lúc này Công ty có phải tham gia BHXH cho họ không ạ?
Trả lời: Căn cứ quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 2 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, theo đó trường hợp người lao động đang hưởng lương hưu hàng tháng thì không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Câu hỏi
Tôi là kế toán công ty, công ty tôi có trên 50 lao động tham gia BHXH, trong tháng 5/2016 tôi có 01 lao động chấm dứt hợp đồng lao động (tự ý bỏ việc). Do tôi sơ suất nên chưa thực hiện báo giảm đóng BHXH, hôm nay ngày 18/8/2016 tôi mới làm thủ tục báo giảm lao động này từ 01/6/2016 có được hay không! và có cần thêm thủ tục gì không?
Trả lời : Trường hợp này công ty ông/bà đã chậm báo giảm lao động tham gia BHXH, BHYT do vậy công ty ông/bà phải đóng BHYT đến hết tháng thực hiện báo giảm; hồ sơ thực hiện báo giảm lao động theo quy định tại Điều 22 Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 9/9/2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.
Câu hỏi
Cho em hỏi, theo luật BHXH 2014 quy định "Định kỳ 06 tháng được người sử dụng lao động cung cấp thông tin về đóng BHXH", "Định kỳ 06 tháng, niêm yết công khai thông tin về việc đóng BHXH cho người lao động". Em là người sử dụng lao động, vậy thông tin về việc đóng BHXH do cơ quan BHXH cung cấp để em niêm yết công khai, hay như thế nào ạ? Và niêm yết vào đầu tháng 1 và tháng 6 hay muốn thời gian nào cũng được miễn là cách nhau 6 tháng ạ?
Trả lời : Căn cứ quy định tại Điều 18 Luật BHXH năm 2014, Tiết 1.3 Điểm 1 Điều 33; Tiết 3.7 Điểm 3 Điều 35 Quy định quản lý thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 9/9/2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, định kỳ 6 tháng người lao động được người sử dụng lao động cung cấp thông tin về đóng BHXH; định kỳ hàng năm được cơ quan BHXH xác nhận về việc đóng BHXH; tháng 1 hằng năm ông/bà được nhận thông tin về việc đóng BHXH năm trước do cơ quan BHXH cung cấp qua Cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam hoặc thông qua đơn vị nơi làm việc để niêm yết công khai.
Câu hỏi
Tôi muốn hỏi thời gian quy định thời gian chốt sổ và trả sổ BHXH cho người lao động được quy định bao lâu tại điều nào của luật nào.
Trả lời : Theo quy định tại khoản 4, Điều 31 và điểm 3.6, khoản 3, Điều 33 Quyết định 959/QĐ-BHXH ngày 9/9/2015 của BHXH Việt Nam ban hành quy định về quản lý thu BHXH, BHYT, BHTN, quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT:
- Hàng năm, cơ quan BHXH thực hiện in tờ rời sổ BHXH xác nhận thời gian đóng BHXH, BH thất nghiệp của năm trước (đến 31/12) để gửi cho người đang tham gia BHXH, BH thất nghiệp.
- Khi người lao động ngừng tham gia BHXH, BH thất nghiệp thì thực hiện chốt sổ BHXH. Thời hạn chốt sổ BHXH không quá 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Câu hỏi
Tôi mang thai ở tuần thứ 28 thì sinh non và con mất sau khi sinh, tôi được giải quyết nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 04 tháng. Tuy nhiên sau khi nghỉ được 02 tháng thì sức khỏe đã ổn định và tôi có viết đơn xin đơn vị đi làm sớm, đơn vị tôi sau khi làm việc với cơ quan BHXH thì được trả lời là trường hợp của tôi không được đi làm sớm vì theo luật quy định đi làm sớm sau thai sản thì người lao động phải nghỉ ít nhất 04 tháng. Như vậy, trường hợp của tôi mặc dù có giấy của cơ quan y tế đảm bảo sức khỏe ổn định, tôi có nguyện vọng đi làm sớm vẫn không được hay sao?
Trả lời: Theo quy định của Bộ Luật lao động và Luật BHXH, lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 04 tháng, từ 01/5/2013 là 06 tháng. Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định, nếu có nhu cầu và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động và được người sử dụng lao động đồng ý thì lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 02 tháng (đối với trường hợp nghỉ thai sản trước thời điểm 01/5/2013) hoặc đã nghỉ ít nhất được 04 tháng (đối với trường hợp nghỉ thai sản từ thời điểm 01/5/2013 đến nay).
Việc quyết định cho đi làm sớm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thuộc thẩm quyền của đơn vị sử dụng lao động.
Câu hỏi
Tôi xin hỏi: Tôi (giới tính là nữ) sinh ngày 17/10/1961, có thời gian đã đóng BHXH là 14 năm 3 tháng còn thiếu 5 năm 9 tháng mới đủ 20 năm đóng BHXH. Tôi lựa chọn phương thức đóng một lần cho 5 năm 9 tháng còn thiếu với mức thu nhập tháng lựa chọn là 3.000.000 đồng/tháng.
Ngày 20/10/2016, tôi đến cơ quan BHXH để nộp đủ số tiền theo phương thức nói trên, nhưng cơ quan cơ quan BHXH hướng dẫn tôi sang tháng 11/2016 mới đủ điều kiện về tuổi đời, nộp tiền để hưởng chế độ hưu trí kể từ ngày 1/12/2016 trở đi.
Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu các quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP, thì tháng 10/2016 tôi đã đủ 55 tuổi, trong tháng 10/2016 tôi được quyền lựa chọn phương thức đóng một lần cho 5 năm 9 tháng còn thiếu và đóng đủ tiền theo phương thức đã chọn, thì thời điểm hưởng lương hưu của tôi phải là kể từ ngày 1/11/2017 trở đi.
Như vậy, để thực hiện đúng quy định của nhà nước và bản thân tôi không bị thiệt thòi quyền lợi, tôi đề nghị BHXH Việt Nam trả lời, hướng dẫn cụ thể; cơ quan BHXH trả lời như vậy có đúng với quy định của Nhà nước không?? Do hướng dẫn sai quy định thì lương tháng 11/2016 của tôi (số tiền tôi đã có kế hoạch nộp trong tháng 10/2016) thì ai chịu trách nhiệm trả cho tôi? Tôi xin chân thành cảm ơn!
Trả lời: Tại Khoản 2, Điều 6 Nghị định số 134/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định: “Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện đóng một lần cho những năm còn thiếu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 9 Nghị định này để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu”.
Tại Khoản 2, Điều 8 Thông tư số 01/2016/TT-LĐTBXH ngày 18/2/2016 về Phương thức đóng quy định: “Riêng đối với người tham gia BHXH đã đủ Điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng), ngoài lựa chọn một trong các phương thức đóng quy định tại Khoản 1 Điều này còn được lựa chọn phương thức đóng một lần cho đủ 20 năm đóng để hưởng lương hưu”.
Đối chiếu quy định nêu trên, thời điểm đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu đối với Bà là tháng 11/2016. Vì vậy, tháng 11/2016 là thời điểm sớm nhất bà có thể đóng một lần cho đủ 20 năm để nghỉ hưu và nếu bà đóng đủ cho thời gian còn thiếu vào tháng 11/2016 thì thời điểm hưởng lương hưu của Bà được tính từ tháng 12/2016.
Câu hỏi
Tôi được biết theo quy định BHXH người lao động nghỉ từ 14 ngày trở lên trong tháng thì công ty và người lao động không phải đóng BHXH, BH thất nghiệp trong tháng đó.
1/ Nếu trường hợp người lao động xin nghỉ không lương 2-3 tháng nhưng bản thân người lao động vẫn có nguyện vọng tham gia BHXH và xin nộp tiền (32.5% lương, bằng mức đóng tháng trước khi nghỉ) nhờ công ty đóng hộ như bình thường thì công ty có được phép đóng hộ không?
2/ Trường hợp người lao động nghỉ ốm trên 14 ngày/tháng và có nguyện vọng tham gia BHXH thì công ty có được phép thu tiền NLĐ để đóng bảo hiểm tháng đó không?
Xin chân thành cảm ơn!
Trả lời: 1. Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 85 và Khoản 1 Điều 86 Luật BHXH năm 2014, hằng tháng người lao động đóng BHXH trên mức lương tháng, người sử dụng lao động đóng BHXH trên quỹ tiền lương của người lao động. Do đó, trường hợp người lao động xin nghỉ không lương thì không có căn cứ để trích nộp BHXH tháng đó.
2. Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 85 Luật BHXH năm 2014, trường hợp người lao động không làm việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Do đó, trường hợp nghỉ ốm trên 14 ngày thì không phải đóng BHXH tháng đó, không có căn cứ để người lao động tự nguyện đóng BHXH cả phẩn trích nộp của người sử dụng lao động.
Câu hỏi
Người lao động đang làm việc tại Công ty mà hưởng trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng có phải đóng BHYT không?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 12 Luật BHYT, người lao động làm việc tại doanh nghiệp đồng thời hưởng trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng thuộc hai đối tượng tham gia BHYT: Đối tượng người lao động và người sử dụng lao động đóng (tại điểm a, khoản 1, điều 12) và đối tượng do tổ chức BHXH đóng (điểm b, khoản 2, điều 12). Đồng thời căn cứ Khoản 2, Điều 13, Luật BHYT thì trường hợp này phải đóng BHYT theo đối tượng do người lao động và người sử dụng lao động đóng.
Câu hỏi
Tháng 07/2016 tôi vẫn chưa nhận được thẻ BHYT. Tôi đã hỏi bộ phận nhân sự thì họ trả lời do tôi thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu. BHXH chỉ nhận hồ sơ thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu từ ngày 01 đến 10 của tháng tiếp theo sau khi kết thúc quý. Và thời gian giải quyết hồ sơ là 10 ngày. Vậy mất 20 ngày của quý tiếp theo tôi sẽ không có thẻ BHYT. Mà trong thời gian này tôi đã nằm viện 2 ngày vì không có thẻ BHYT nên tôi không được thanh toán phí nằm viện
Xin Anh/Chị hướng dẫn cho tôi làm thủ tục để được hưởng chế độ BHYT.
Trả lời: Theo quy định tại Khoản 3, Điều 8 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế - Bộ tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT: Trong thời gian chờ cấp đổi lại thẻ BHYT Bà chỉ cần xuất trình giấy hẹn cấp lại, đổi thẻ BHYT do BHXH nơi tiếp nhận hồ sơ cấp và một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân để đi KCB và được hưởng quyền lợi KCB BHYT ngay tại bệnh viện.
Trường hợp, Bà chưa được hưởng quyền lợi KCB BHYT trong thời gian chờ cấp lại, đổi thẻ BHYT thì sau khi nhận được thẻ BHYT mới, đề nghị Bà mang toàn bộ hồ sơ, chứng từ đến cơ quan BHXH nơi cấp thẻ để được hướng dẫn thanh toán trực tiếp.
Câu hỏi
Tôi xin được hỏi về hồ sơ thay đổi hộ tịch trong sổ BHXH? Nếu đủ thì trong vòng bao lâu tôi được cấp sổ BHXH mới?
Trả lời: - Theo quy định tại khoản 3, Điều 29, Quyết định 959/QĐ-BHXH ngày 9/9/2015 ban hành quy định về quản lý thu BHXH, BHYT, BHTN, quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT; Thành phần hồ sơ đề nghị cấp lại số BHXH do thay đổi tên, chữ đệm gồm:
+ Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).
+ Sổ BHXH.
+ Giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh do cơ quan có thẩm quyền về hộ tịch cấp theo quy định.
- Thời hạn cấp lại sổ BHXH do thay đổi tên, chữ đệm: không quá 15 ngày làm việc, trường hợp phức tạp cần phải xác minh thì không quá 45 ngày làm việc nhưng phải có thông báo cho người lao động biết.
Câu hỏi
Với quá trình tham gia BHXH từ tháng 01/2014 đến hết tháng 8/2016 (thời gian tham gia BHXH liên tục). Do công việc quá áp lực lên tôi đã xin nghỉ chấm dứt hợp đồng lao động hết tháng 8/2016.
Nhưng hiện tôi đang mang thai dự tính sinh 20/11/2016.
Vậy trường hợp của tôi có đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản không?
Trả lời: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật BHXH lao động nữ khi sinh con phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 trước khi sinh con mới đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản.
Trường hơp của bạn có thời gian đóng BHXH liên tục từ tháng 01/2016 đến hết tháng 8/2016, dự kiến sinh con vào ngày 20/11/2016. Như vậy, trong khoảng thời gian 12 tháng trước khi sinh con (từ tháng 12/2015 đến tháng 11/2016) bạn đã có 09 tháng đóng BHXH bắt buộc nên đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản.
Câu hỏi
Tôi muốn hỏi về thủ tục thay đổi giới tính sổ BHXH. Công ty tôi làm đầu tiên đã làm sai giới tính trong sổ BHXH của tôi. Hiện nay công ty ấy đã phá sản. Tôi không liên lạc được với công ty. Hiện nay tôi làm công ty khác. Tôi hỏi BHXH thì BHXH hướng dẫn liên lạc công ty cũ sửa. Tôi muốn hỏi tôi phải xử trí ra sao?
Trả lời: Theo quy định tại Điểm 2.2, Khoản 2, Điều 46 Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 09/9/2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành quy định về quản lý thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT (gọi tắt là Quyết định số 959/QĐ-BHXH) quy định: “Cấp lại bìa sổ BHXH các trường hợp: sai giới tính, quốc tịch; người đã hưởng BHXH một lần còn thời gian đóng BHTN chưa hưởng”. Trường hợp của Bạn, do thông tin trên sổ BHXH ghi sai giới tính. Vì vậy, đề nghị Bạn lập Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) nộp đơn vị đang tham gia BHXH để xác nhận và gửi cho cơ quan BHXH kèm theo hồ sơ cấp lại sổ BHXH do sai giới tính theo quy định tại Điểm 3.1, Khoản 3, Điều 29 Quyết định số 959/QĐ-BHXH.
Nguồn: Thư viện pháp luật