Không cần mang thẻ BHYT khi khám chữa bệnh từ 1/6/2017
Ngày 09/03/2017
Đây là một nội dung đáng chú ý trong Dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội và Luật BHYT thuộc lĩnh vực y tế. Theo đó, người tham gia BHYT khi khám, chữa bệnh chỉ cần cung cấp số thẻ BHYT (không cần xuất trình thẻ) hoặc xuất trình thẻ BHYT.
Đối với trường hợp xuất trình thẻ bảo hiểm y tế chưa có ảnh thì phải cung cấp số định danh cá nhân hoặc xuất trình một trong các loại giấy tờ sau:
- Thẻ căn cước công dân còn giá trị hiệu lực.
- Chứng minh nhân dân còn giá trị hiệu lực (bao gồm cả chứng minh quân đội).
- Hộ chiếu còn giá trị hiệu lực.
- Thẻ học sinh, sinh viên, học viên còn giá trị hiệu lực (đối với học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi làm chứng minh minh nhân dân).
- Các giấy tờ có ảnh khác do cơ quan quản lý nhà nước hoặc cơ quan nơi người đó đang công tác, làm việc cấp hoặc xác nhận.
Đối với trẻ em dưới 6 tuổi nếu không xuất trình thẻ bảo hiểm y tế vẫn được hưởng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế nhưng phải xuất trình giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh; trường hợp phải điều trị ngay sau khi sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì thủ trưởng cơ sở y tế hoặc người được thủ trưởng cơ sở y tế ủy quyền và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán theo quy định.
Xem chi tiết về thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Điều 8 của Dự thảo Thông tư.
Dự kiến nội dung nêu trên bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2017; đồng thời, các quy định sau đây hết hiệu lực thi hành:
- Thông tư 14/2016/TT-BYT ngày 15/5/2016.
- Điểm c Khoản 1 Điều 5 Thông tư 14/2014/TT-BYT ngày 14/4/2014.
- Điểm c và điểm d Khoản 2 Điều 9 Thông tư 37/2014/TT-BYT ngày 17/11/2014.
- Khoản 2, 3 và 4 Điều 15 Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014.
Nguồn: Thư viện pháp luật