Đề xuất bổ sung 3 nhóm đối tượng vào BHXH bắt buộc
Ngày 11/05/2018
Để tiến tới bảo hiểm toàn dân như mục tiêu đề ra, TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng, cần xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, đảm bảo tính đa dạng và linh hoạt để khuyến khích người lao động tham gia. Đặc biệt, với bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, cần bổ sung thêm 3 nhóm đối tượng: Người làm việc theo hợp đồng lao động từ 1 tháng đến dưới 3 tháng; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn; người lao động là công dân nước ngoài.
Quy định 20 năm: Quá cứng nhắc
Đề án cải cách chính sách BHXH là một trong ba nội dung trọng tâm được Hội nghị T.Ư 7 tập trung thảo luận. Trao đổi với PV Tiền Phong, TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, một thành viên trong ban soạn thảo đề án cho biết, đến hết năm 2017, đã có 14 triệu người tham gia BHXH, tăng hơn 2,3 lần so với đầu năm 2017. Số người tham gia BHXH thất nghiệp cũng lên tới 11,7 triệu người. Tổng số thu chi trong năm qua cũng tăng nhanh, với mức thu 196 nghìn tỷ đồng, chi hơn 181 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Lợi, chính sách BHXH hiện vẫn chưa hướng đến mục tiêu bao phủ toàn dân. Đáng lưu ý, hệ thống BHXH còn thiết kế đơn tầng, sự kết nối với các chính sách xã hội khác chưa đồng bộ, chặt chẽ để thực hiện vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Điều này dẫn tới diện bao phủ còn thấp, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn và khu vực không có quan hệ lao động.
Thực tế cho thấy, đến năm 2017, chỉ có gần 29% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, vẫn còn trên 34 triệu người trong độ tuổi lao động (khoảng 69,6%) chưa tham gia BHXH. Các nguyên tắc công bằng, đóng - hưởng, chia sẻ và bảo đảm bền vững tài chính chưa được quán triệt đầy đủ, quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong dài hạn.
Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, thiết kế chính sách bảo hiểm hưu trí có nhiều điểm chưa phù hợp, điển hình như: Quy định điều kiện được hưởng lương hưu quá chặt chẽ (cần tối thiểu 20 năm đóng BHXH) trong khi điều kiện hưởng BHXH một lần khá dễ dàng; cách tính lương hưu thiết kế chưa hợp lý, nặng nề về nguyên tắc đóng hưởng, chưa chú ý thỏa đáng nguyên tắc chia sẻ để thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa những người hưởng lương hưu; số người hưởng chế độ hưu trí, tử tuất tăng nhanh, số người mới tham gia tăng chậm.
Ngoài ra, còn tình trạng vi phạm pháp luật, trốn đóng, nợ đóng BHXH, nhất là khu vực doanh nghiệp còn khá phổ biến, chậm được khắc phục. Nợ đóng BHXH còn lớn với con số gần 6 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, xuất hiện tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH.
Có đóng, có hưởng
Mục tiêu đổi mới trong chính sách BHXH được đưa ra lần này là cải cách theo hướng mở rộng diện bao phủ, hướng tới bảo hiểm toàn dân. Trên cơ sở đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng, mục tiêu trong thời gian tới là phải hoàn thiện chính sách trên nguyên tắc có đóng, có hưởng, quyền lợi tương ứng với nghĩa vụ, có sự chia sẻ giữa các thành viên và thực hiện bảo đảm công bằng cho tất cả. Cùng với đó, cơ chế đóng, hưởng cần tách bạch, độc lập với quy định của pháp luật về mức lương tối thiểu vùng, mức lương cơ sở. Đồng thời, cụ thể hoá lộ trình bắt đầu từ sau 2021 thực hiện việc điều chỉnh lương hưu độc lập với điều chỉnh tiền lương của người tại chức.
Đặc biệt, cần xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, đảm bảo tính đa dạng và linh hoạt để khuyến khích người lao động tham gia. Trong đó, tầng thứ nhất mang tính tự nguyện cung cấp các chế độ với mức hưởng cơ bản, do NSNN hỗ trợ và từng bước có sự tham gia của người dân; tầng thứ hai mang tính bắt buộc với đóng góp của cả người lao động và người sử dụng lao động hướng tới mức đóng như nhau; còn tầng thứ 3 mang tính bổ sung, tuỳ theo khả năng tài chính của doanh nghiệp và cá nhân người lao động.
TS. Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh rằng, chính sách BHXH là để bảo đảm an sinh xã hội trước những rủi ro trong và sau cuộc đời lao động. “Đây là của để dành tích lũy khi đang làm việc để được hưởng thụ khi tuổi già”, ông Lợi nhìn nhận, đồng thời cho rằng, cần mở rộng đối tượng tham gia, tiến tới BHXH toàn dân.
Để làm được điều này, theo ông, đối với bảo hiểm xã hội bắt buộc, cần bổ sung thêm 3 nhóm đối tượng: Người làm việc theo hợp đồng lao động từ 1 tháng đến dưới 3 tháng; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn; người lao động là công dân nước ngoài. Đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện, cần mở rộng đối tượng theo hướng không khống chế tuổi trần, lấy mức sàn thu nhập làm căn cứ đóng, đồng thời đa dạng các phương thức đóng và nhà nước có chính sách hỗ trợ.
Nguồn: Báo Tiền Phong