Những quy định về hợp đồng lao động, bảo hiểm, lương và trợ cấp người lao động nên biết
Ngày 28/09/2016
Hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, mức lương cơ sở,... là những điểm có quan hệ trực tiếp tới quyền lợi của người lao động và cần được người lao động tìm hiểu kỹ để tránh những trường hợp mất quyền lợi không đáng có. Các bộ, ngành có liên quan như Bộ Lao động - Thương binh, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và cơ quan bảo hiểm xã hội đã giải đáp những thắc mắc có liên quan của người lao động về những vấn đề trên.
Về Bảo hiểm Xã hội
Chỉ được tham gia BHXH trên một số sổ BHXH duy nhất
Câu hỏi: Hiện tại tôi đang làm cho Công ty Karachi từ 7/2013 đến nay nhưng công ty TBN lại đóng BHXH cho tôi từ tháng 11/2013 đến 12/2015. Bây giờ tôi muốn hủy quá trình đóng BHXH của Công ty TBN cho tôi, thì tôi phải tiến hành thủ tục như thế nào?
Trả lời
"Theo quy định, mỗi người lao động chỉ được tham gia BHXH trên một số sổ BHXH duy nhất. Cơ quan BHXH chỉ tiếp nhận giải quyết đơn cam kết không thừa nhận quá trình đóng BHXH đối với trường hợp sổ BHXH đó thực sự không phải của người lao động (người lao động cho người khác mượn hồ sơ xin việc hoặc bị người khác lấy thông tin cá nhân để xin việc). Trường hợp của bà là đóng trùng quá trình tham gia BHXH trên cùng 1 số sổ. Nếu Công ty TBN đã chốt quá trình từ tháng 11/2013 đến tháng 12/2015 thì bà phải làm đơn đề nghị giảm những tháng đã trùng (mẫu D01-TS) trực tiếp cho người lao động theo phiếu giao nhận hồ sơ 311/.../SO. Nếu quá trình tại Công ty TBN chưa được chốt thì bà phải liên hệ Công ty TBN để yêu cầu lập thủ tục giảm trùng, thoái trả lại số tiền đã nộp cho bà. Các phiếu giao nhận hồ sơ, mẫu đơn được đăng tại mục “Thủ tục hồ sơ một cửa” ->” Thủ tục hồ sơ thu BHXH, BHYT, BHTN” trên trang web http://www.bhxhtphcm.gov.vn ".
Có được tự chốt sổ bảo hiểm khi công ty cũ nợ tiền BHXH?
Câu hỏi: Tôi làm kế toán và đóng BHXH tại 1 doanh nghiệp trong nước, trước đó tôi đã làm cho 1 doanh nghiệp A, có đóng BHXH đầy đủ. Nhưng đến thời điểm chốt sổ BHXH tại doanh nghiệp A thì không chốt được vì công ty đang nợ tiền BHXH. Hiện nay tôi vẫn tiếp tục đóng BHXH tại công ty mới, nhưng tôi được biết có thông tin, nếu tôi không chốt được sổ BHXH ở doanh nghiệp A thì những doanh nghiệp sau này tôi làm việc cũng không chốt được sổ. Tôi có hỏi BHXH quận thì được trả lời, khi doanh nghiệp A thông báo phá sản thì tôi mới được tự chốt sổ. Vậy, trường hợp của tôi giải quyết như thế nào?
Trả lời
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 18 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc thì “người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động”.
Trường hợp của bà Hà có thời gian làm việc tại công ty A, tuy nhiên do công ty còn nợ tiền đóng BHXH nên cơ quan BHXH chưa thực hiện chốt quá trình đóng BHXH, BHTN trên sổ BHXH cho bà Hà. Vì vậy, đề nghị bà Hà liên hệ và yêu cầu công ty A đóng đủ BHXH, BHTN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng cho bà Hà theo quy định để được chốt sổ và ghi quá trình tham gia BHXH, BHTN tại đơn vị mới.
Chế độ với trường hợp đơn phương chấm dứt HĐLĐ
Câu hỏi: Đơn vị tôi có trường hợp bà Dương Thị Xít, sinh ngày 5/6/1961, làm việc được 20 năm, thời gian đóng BHXH là 19 năm 11 tháng, 1 tháng không đóng BHXH do nghỉ ốm. Ngày 5/6/2016 bà Xít đã đủ 55 tuổi, nhưng không đủ điều kiện nghỉ hưởng chế độ hưu. Để tạo điều kiện cho người lao động được hưởng chế độ hưu trí, đơn vị tôi đã kéo dài hợp đồng lao động (HĐLĐ) với bà Xít đến hết tháng 7/2016 cho đủ 20 năm đóng BHXH. Sau đó đơn vị làm thủ tục nghỉ hưu, tuy nhiên bà Xít không chấp thuận và xin chấm dứt HĐLĐ trong tháng 6/2016. Vậy, nếu đơn vị tôi không thoả thuận được thời gian kéo dài thời hạn HĐLĐ đối với bà Xít và ra quyết định chấm dứt HĐLĐ thì có phải thanh toán trợ cấp thôi việc cho bà Xít không?
Trả lời
Theo Khoản 1, Điều 48 của Bộ luật Lao động, khi HĐLĐ chấm dứt theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10, Điều 36 của Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
Căn cứ vào quy định nêu trên và nội dung câu hỏi về trường hợp của bà Xít, bà Dương Thị Xít và Ban Quản lý chợ Đông Hà thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại Khoản 3, Điều 36 của Bộ luật Lao động thì Ban Quản lý chợ Đông Hà có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho bà Xít theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn.
Bà Xít có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo đúng quy định tại Điều 37 của Bộ luật Lao động thì Ban Quản lý chợ Đông Hà có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho bà Xít. Trường hợp bà Xít đơn phương chấm dứt HĐLĐ không đúng quy định tại Điều 37 của Bộ luật Lao động (trái pháp luật) thì không được hưởng trợ cấp thôi việc.
Do không có HĐLĐ của bà Xít và thỏa ước tập thể lao động của Ban Quản lý chợ Đông Hà nên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội không có căn cứ để trả lời cụ thể. Do đó, đề nghị Ban Quản lý chợ Đông Hà liên hệ với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị để được hướng dẫn.
Có 2 sổ BHXH trùng tên làm thế nào?
Câu hỏi: Tôi có 2 sổ BHXH (trùng tên), tôi muốn hủy 1 sổ, giữ 1 sổ được không?
Trả lời
Mỗi người lao động chỉ được cấp một sổ BHXH với mã số định danh duy nhất trong toàn bộ quá trình tham gia để theo dõi việc đóng và giải quyết chế độ BHXH, BHTN theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người lao động đã được cấp nhiều sổ thì phải chuyển toàn bộ sổ cho đơn vị sau cùng, nơi đang tham gia BHXH lập thủ tục gộp sổ. Nếu có thời gian trùng nhau, cơ quan BHXH sẽ hoàn trả tiền trùng thông qua đơn vị để trả cho người lao động. Chị cần tham khảo thủ tục tại địa chỉ: http://bhxhtphcm.gov.vn/thu-tuc-ho-so-mot-cua/7/thu-tuc-ho-so-so-bhxh-the-bhyt/ và lập hồ sơ theo phiếu Giao nhận hồ sơ 304.
Lấy lại sổ BHXH khi tự ý nghỉ việc
Câu hỏi: Cách đây 3 tháng, tôi vừa tự ý nghỉ việc, sổ BHXH vẫn ở công ty cũ. Tôi muốn được chốt sổ, lấy lại sổ BHXH thì phải làm sao?
Trả lời
Theo quy định, khi chị chấm dứt hợp đồng lao động thì công ty có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ BHXH cho chị. Chị cần liên hệ với công ty cũ để nhận lại sổ BHXH (sổ đã chốt). Nếu công ty cũ cố tình không chốt sổ, trả sổ BHXH thì chị có thể khiếu nại với Phòng LĐTB-XH quận, huyện (nơi công ty đặt trụ sở) hoặc Thanh tra Sở LĐTB-XH TPHCM để được can thiệp giúp đỡ.
Làm nhiều nơi, chốt sổ thế nào?
Câu hỏi: Năm 2010, tôi làm ở một công ty có đóng BHXH tháng 1 và 2-2010. Từ tháng 11-2014 đến tháng 12-2015, tôi làm công ty khác; khi nghỉ việc, kế toán nói không chốt sổ BHXH cho tôi được, vì tôi chưa chốt sổ ở công ty cũ. Công ty đầu tiên giờ không giúp tôi chốt sổ, vậy tôi phải làm sao?
Trả lời
Qua kiểm tra dữ liệu quá trình đóng BHXH của chúng tôi quản lý thì chị đã được công ty đầu tiên báo giảm lao động đến tháng 3-2010. Như vậy, chị chỉ cần nộp tờ bìa sổ BHXH hiện chị đang giữ kèm theo Phiếu giao - nhận số 301 gửi qua đường bưu điện chuyển về BHXH TPHCM để chốt sổ.
Sau đó, chị lấy sổ BHXH đã được chốt ở công ty đầu tiên nộp cho công ty sau và yêu cầu công ty sau lập thủ tục chốt sổ tiếp cho chị.
Đã có quyết định chấm dứt HĐLĐ, nhưng không được trả sổ BHXH?
Câu hỏi: Tháng 02/2016 tôi có quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng Giám đốc Nông trường không trả sổ bảo hiểm cho tôi như vậy có đúng không?
Trả lời
Về trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định tại Khoản 5 Điều 21 Luật BHXH năm 2014 thì người sử dụng lao động phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ cho NLĐ, xác nhận thời gian đóng BHXH khi NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật. Đối chiếu với quy định này trường hợp của Bà chấm dứt hợp đồng lao động nhưng Giám đốc Nông trường không trả sổ bảo hiểm cho Bà như vậy là sai./.
Thời gian chốt sổ BHXH để trả cho người lao động
Câu hỏi: Tôi làm cơ quan Nhà nước tại TP Hồ Chí Minh, hiện tôi sắp đến tuổi nghỉ hưu. Cơ quan nói tôi làm đơn xin nghỉ việc với lý do hết tuổi lao động. Tôi công tác 17 năm, nay tôi muốn đóng tiếp BHXH cho đủ 20 năm để hưởng chế độ hưu trí. Xin hỏi, viên chức tính từ khi làm đơn xin nghỉ việc đến khi có quyết định nghỉ việc là bao nhiêu ngày mới được chốt sổ BHXH? Thời gian bắt đầu làm đơn nghỉ việc đến khi nhận sổ BHXH nộp về Quận là bao lâu?
Trả lời
Theo quy định tại Điều 18 Luật BHXH và Điều 47 Bộ luật Lao động, khi người lao động nghỉ việc đúng pháp luật, chậm nhất là 30 ngày kể từ khi có quyết định thôi việc, đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm lập thủ tục chốt sổ để trả cho người lao động. Như vậy, kể từ khi có quyết định thôi việc thì đơn vị sử dụng lao động phải lập thủ tục chốt sổ BHXH và trả sổ BHXH cho bà trong thời hạn không quá 30 ngày.
Sau khi nhận lại sổ BHXH (sổ đã chốt), nếu bà có nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện có thể liên hệ Bưu điện gần nhất để đăng ký tham gia.
Trách nhiệm của NLĐ khi tham gia BHXH?
Câu hỏi: Khi tham gia BHXH, NLĐ có trách nhiệm gì?
Trả lời
Theo quy định tại Điều 19 Luật BHXH năm 2014, khi tham gia BHXH, NLĐ có trách nhiệm sau:
- Đóng BHXH theo quy định;
- Thực hiện quy định về việc lập hồ sơ BHXH;
- Bảo quản sổ BHXH.
Quyền của người sử dụng lao động khi tham gia BHXH?
Câu hỏi: Người sử dụng lao động có quyền gì khi tham gia BHXH?
Trả lời
Theo quy định tại Điều 20 Luật BHXH năm 2014 người sử dụng lao động có các quyền sau:
- Từ chối thực hiện những yêu cầu không đúng quy định của pháp luật về BHXH;
- Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về BHXH theo quy định của pháp luật.
Có được truy lĩnh chế độ BHXH theo mức lương cơ sở mới?
Câu hỏi: Theo Nghị định 47/2016/NĐ-CP thì mức lương cơ sở là 1.210.000 áp dụng kể từ ngày 1/5/2016, nhưng Nghị định này lại có hiệu lực kể từ ngày 15/7/2016. Vậy những đối tượng nghỉ sinh con và nghỉ dưỡng sức bắt đầu nghỉ từ ngày 1/5/2016 thì có được điều chỉnh lại mức chênh lệch từ 1.150.000 so với mức 1.210.000 hay không?
Trả lời
Theo quy định của Luật BHXH và Nghị định 47/2016/NĐ-CP, các chế độ BHXH có liên quan đến việc áp dụng mức lương cơ sở thì đều được áp dụng thực hiện từ ngày 1/5/2016. Những trường hợp đã giải quyết chế độ mà chưa được áp dụng mức lương cơ sở 1.210.000 đồng (do Nghị định chưa có hiệu lực thi hành và chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan thẩm quyền) cơ quan BHXH sẽ điều chỉnh trả bổ sung phần chênh lệch.
Về việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động
Điều kiện kiện hưởng hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng?
Câu hỏi: Điều kiện kiện hưởng hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ được quy định như thế nào?
Trả lời
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 47 Luật Việc làm, người sử dụng lao động được hưởng hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ khi đủ các điều kiện sau đây:
- Đóng đủ BH thất nghiệp cho NLĐ thuộc đối tượng tham gia BH thất nghiệp liên tục từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ;
- Gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh;
- Không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ;
- Có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt./.
Trình tự giải quyết hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được quy định như thế nào?
Câu hỏi: Trình tự giải quyết hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ được quy định như thế nào?
Trả lời
Theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ, người sử dụng lao động có nhu cầu hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ phải nộp hồ sơ theo quy định cho Sở LĐ-TB&XH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây được viết tắt là Sở LĐ-TB&XH) nơi đóng trụ sở chính của đơn vị để thẩm định.
Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của người sử dụng lao động, Sở LĐ-TB&XH thẩm định và phê duyệt phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm; chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị có liên quan thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề theo quy định và trình Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây được viết tắt là Chủ tịch UBND cấp tỉnh) xem xét, quyết định việc hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ.
Trường hợp không hỗ trợ thì Sở LĐ-TB&XH phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người sử dụng lao động.
Quyết định về việc hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ được Sở LĐ-TB&XH gửi: 01 bản đến BHXH cấp tỉnh để thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ; 01 bản gửi Bộ LĐ-TB&XH để báo cáo; 01 bản gửi trung tâm dịch vụ việc làm; 01 bản gửi người sử dụng lao động để thực hiện việc dạy nghề cho NLĐ và 01 bản gửi cơ sở dạy nghề cho NLĐ trong trường hợp việc đào tạo không do người sử dụng lao động thực hiện. Quyết định về việc hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người sử dụng lao động thực hiện theo mẫu do Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quy định.
Tổ chức BHXH thực hiện tạm ứng 50% kinh phí hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người sử dụng lao động theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh và thực hiện việc thanh quyết toán theo quy định trên cơ sở thực tế của việc thực hiện phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề./.
Ai chịu trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ?
Câu hỏi: Ai chịu trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ?
Trả lời
Theo quy định tại Điều 48 Luật Việc làm quy định trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ như sau:
Người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và sử dụng lao động theo phương án đã được phê duyệt; sử dụng nguồn kinh phí đúng đối tượng, đúng mục đích và thực hiện báo cáo kết quả tổ chức đào tạo cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sau khi kết thúc khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
NLĐ có trách nhiệm thực hiện quy định của pháp luật về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề./.
Những vấn đề khác
Công việc nào thuộc danh mục độc hại trong lĩnh vực y tế?
Câu hỏi: Hiện nay văn bản nào quy định đầy đủ danh mục công việc độc hại, nguy hiểm để làm cơ sở thực hiện chế độ phụ cấp, bồi dưỡng cho nhân viên y tế?
Trả lời
Danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc lĩnh vực y tế được quy định tại các văn bản:
Quyết định số 915/LĐTBXH-QĐ ngày 30/7/1996 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành tạm thời danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc,độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Quyết định số 3303/QĐ-BYT ngày 11/7/2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tạm thời danh mục nghề, công việc được bồi dưỡng chống độc hại.
NLĐ có thể tự đi giám định mức suy giảm khả năng lao động được không?
Câu hỏi: Tôi sinh sống ở Tp.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, năm nay tôi 55 tuổi, tình trạng sức khỏe rất yếu nên muốn đi giám định mức suy giảm khả năng lao động để nghỉ hưu sớm. Tôi có thể tự đi giám định mức suy giảm khả năng lao động được không?
Trả lời
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 21 Luật BHXH năm 2014, trường hợp của ông (bà) phải được người sử dụng lao động giới thiệu đi giám định mức suy giảm khả năng lao động chứ không được tự đi giám định mức suy giảm khả năng lao động./.
Nguồn: Thư viện pháp luật